Hợp tác xã tìm cách xoay chuyển, thích ứng thời Covid-19
Hợp tác xã tìm cách xoay chuyển, thích ứng thời Covid-19
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 03/04/2020 08:33 AM (GMT+7)
Cửa hàng tự đến lấy hàng; các giám đốc HTX trực tiếp liên kết với nhau đưa hàng tới bán tại các chung cư, khu phố, thậm chí lên kế hoạch thành lập HTX chuỗi liên kết và bán hàng online tới tận tay người tiêu dùng. Đó là những cách mà các HTX nông nghiệp đang tìm cách xoay chuyển, thích ứng với đại dịch Covid-19.
Với trên 5ha đất trồng rau hữu cơ, HTX rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phương, TP. Hà Nội) là nơi cung cấp rau tin cậy của 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng.
Bình quân mỗi ngày HTX xuất bán 1,5-2 tạ qua củ, quả các loại. Ngoài ra, còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng và khách đến lấy tại ruộng.
Thế rồi, đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh của HTX bị nhiều thay đổi. "Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, HTX vừa cho toàn bộ 11 công nhân nghỉ việc. Công việc của họ ở đây chỉ là bắt sâu, làm cỏ nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất" - bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ Cuối Quý chia sẻ.
Tuy nhiên, việc các trường cho học sinh nghỉ học, rồi thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội nên việc giao nhận rau hiện nay hoàn toàn do các cửa hàng cử người về tận nơi lấy và giao hàng online cho các khách hàng.
"Rau của HTX sản xuất ra đến đâu bán hết tới đó, nhưng chúng tôi vẫn xuất bán với mức giá bình ổn, thậm chí còn giảm để các mối hàng bán rau tới tay người tiêu dùng bằng với mức giá xuất bán từ HTX" – bà Cuối cho hay.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, dù đầu ra thuận lợi nhưng với mong muốn đưa sản phẩm rau hữu cơ tới tận tay người tiêu dùng với mức giá bình ổn, bà Cuối đã phối hợp Giám đốc các HTX ở Phú Xuyên, Đông Anh để đa dạng nguồn hàng như: rau ăn lá, củ quả, gà, vịt nhằm tổ chức bán tại khu phố ngay cạnh Đài Truyền hình Việt Nam, rồi các chung cư với mức giá bình ổn.
"Mỗi tuần chúng tôi kết hợp lại đem hàng đến 3-4 chung cư, mỗi chung cư 1-2 lần. Chúng tôi bán hàng bình ổn giá chỉ trong vòng 2 giờ hết mấy tạ rau, gà, vịt; còn thừa thì chúng tôi đem tặng hết cho trẻ khuyến tật và trẻ mồ côi" – bà Đặng Thị Cuối nói và cho biết việc bán hàng này đã duy trì hơn 1 tháng qua và các Giám đốc HTX đều đã xin phép các cấp chính quyền sở tại.
Trong cái khó ló cái khôn
Không thuận như mặt hàng rau, việc sản xuất và bán cá của HTX sản xuất và thương mại Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương) gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.
"Trước khi có dịch bệnh covid-19, bình thường HTX xuất bán từ 10-15 tấn cá thành phẩm/ngày, đến bây giờ chỉ cung cấp 5.000 tấn cá/ngày. Và như hôm qua (ngày 1/4) khi được thông báo cách ly toàn xã hội, hàng hóa không di chuyển được" – ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Xuyên Việt cho hay.
Không chỉ vậy, việc cung ứng con giống để sản xuất cũng khó khăn khi toàn bộ các chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam đã tạm dừng nên không thể nhập khẩu được giống bố mẹ. Những kế hoạch liên quan đến phát triển sản xuất, triển khai xây dựng chuỗi liên kết, rồi nhà máy chế biến của HTX cũng bị ảnh hưởng do tâm lý dè dặt trong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Ông Lê Văn Việt cho biết, trước đây HTX đưa hàng vào các chợ đầu mối, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, chứ ít khi bán trực tiếp tới người dân: "Kênh để hàng thủy sản tươi sống hầu hết vào các chợ đầu mối. Mọi người không đi chợ, các nhà hàng không kinh doanh thì tự nhiên người dân lại không biết ra chợ đầu mối để mua. Họ không có thói quen ra chợ đầu mối mua, bây giờ ai là người đưa hàng đến cho người dân mới là quan trọng".
Để thích ứng với bệnh dịch covid-19 và hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm, HTX đã và đang thay đổi cách tiếp cận tiêu dùng của người dân. Cụ thể, HTX đã liên hệ với các chung cư, các cửa hàng trực tiếp ở các chung cư. Với những điểm bán hàng không chuyên tại các chung cư, theo ông Việt, họ chủ yếu lấy hàng để sử dụng trong gia đình và bạn bè, người trong khu dân cư.
Tuy nhiên, việc bán hàng này chỉ là tạm thời trước mắt, chưa thành hệ thống hoàn chỉnh. Chính vì thế, ông Việt đã lên kế hoạch hình thành HTX chuỗi liên kết, mỗi tỉnh huy động 10-12 thành viên gồm có rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, gia vị tham gia vào để cung cấp nguồn hàng với giá cả ổn định. Đồng thời, HTX cũng triển khai nền tảng bán hàng trực tuyến Cocofood.
Theo ông Việt, vào ngày 5/5 tới, HTX Xuyên Việt sẽ cho ra chuỗi liên kết đầu tiên ở tỉnh Hải Dương, sau đó sẽ mở rộng ra các địa phương khác, ít nhất là tại 16 tỉnh phía Bắc. "Trong bối cảnh dịch covid-19 cần có đơn vị uy tín cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thì phải chung tay vào làm thật nhanh. Việc lập các HTX này sẽ tạo ra liên kết chuỗi của các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc" – ông Việt khẳng định.
Sản xuất lúa gạo, lợn, rau xanh… tiếp tục phát triển, giá bán có lãi
Theo báo cáo của Liên minh HTX cấp tỉnh và HTX thành viên, đến đầu tháng 3/2020, chỉ có một bộ phận các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh tiếp tục phát triển do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán có lãi.
Trong khi đó, phần lớn các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong các ngành (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) giảm sản lượng, doanh thu, thu nhập của thành viên, người lao động, nhất là ngành du lịch, giao thông vận tải…
Đối với các HTX nông nghiệp, gần 70% thành viên không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản, thực phẩm (rau, củ, quả, xoài, mít, cam, bưởi, thanh long, tôm, cua…) so với tháng 12/2019. Các HTX, liên hiệp HTX xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, giảm 40% kim ngạch xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.