HoREA kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định là "rào cản" trong Thông tư 06

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 25/08/2023 07:23 AM (GMT+7)
Chưa thật hài lòng với việc tạm ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, HoREA kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hẳn các quy định này.
Bình luận 0
HoREA kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hẳn các quy định "rào cản" của Thông tư 06 - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị bãi bỏ hẳn một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Ảnh: Quốc Hải

Chiều tối ngày hôm nay (24/8), Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến việc ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng thực hiện một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Theo HoREA, các doanh nghiệp rất vui mừng vì Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng thực hiện một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. 

Song, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc rà soát để xem xét sự cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN trước thời điểm Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (01/09/2023) là khó khả thi. 

Do đó, để đảm bảo có thời gian nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 Thông tư số Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/06/2023 là cần thiết để đảm bảo kịp thời ban hành trước thời điểm Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (01/09/2023) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 138/TB-VPCP.

Tuy nhiên, HoREA tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác.

Thứ nhất, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng, bởi lẽ chỉ còn hơn 1 tháng nữa (1/10/2023), tổ chức tín dụng "phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%. 

Nghĩa là, tiếp tục lùi thời điểm siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% sang ngày 1/10/2024.

Thứ hai, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét "bỏ" điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP).

"HoREA nhận thấy, Thông tư 03/2023/TT-NHNN chưa xem xét sửa đổi "bất cập" của điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét theo hướng "bãi bỏ" điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

"Trước đây, HoREA đã góp ý vấn đề này tại Văn bản 65/2023/CV-HoREA ngày 17/04/2023 về "Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN" trước khi ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN", ông Châu nói.

Bởi lẽ, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước 1 năm so với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022, mà Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã cho phép hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp và căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho "mục đích sử dụng vốn hợp pháp" này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng.

Vậy nên rất cần thiết phải "bỏ" điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Hơn nữa, trong quá trình góp ý "Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN" thì Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề nghị của HoREA "bỏ" điểm c khoản 1 Điều 1"Dự thảo Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN" nên Ngân hàng Nhà nước đã không đưa nội dung điểm c khoản 1 Điều 1"Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN" vào Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

Thứ ba, dù Thông tư 10 tạm ngưng hiệu lực thi hành một số quy định cấm cho vay, song HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ các quy định này. 

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định "bất cập" tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, HoREA và chuyên gia đã kiến nghị, bởi lẽ Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới "ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này", chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có "văn bản quy phạm pháp luật" nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem