HTX nông nghiệp gặp khó trong đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm

Kiến Bình Thứ bảy, ngày 08/06/2024 17:41 PM (GMT+7)
Các HTX nông nghiệp ở TP.HCM vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong đầu tư kết cấu hạ tầng như các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp và cơ sở chế biến sản phẩm.
Bình luận 0

HTX nông nghiệp rất cần các công trình phụ trợ

Ông Lưu Cẩm Hùng – Giám đốc HTX Hoa lan Đa Phước (huyện Bình Chánh) cho biết, hoa lan là sản phẩm tiêu biểu của nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao.

Khu vực đóng gói hoa lan vừa là nơi chứa vật tư nông nghiệp, phụ kiện và trang thiết bị của HTX Hoa lan Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ảnh: Kiến Bình

Khu vực đóng gói hoa lan vừa là nơi chứa vật tư nông nghiệp, phụ kiện và trang thiết bị của HTX Hoa lan Đa Phước (huyện Bình Chánh). Ảnh: Kiến Bình

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), vẫn còn một số vướng mắc mà HTX đang cần gỡ rối. Ví dụ, muốn đầu tư mở rộng một vườn lan lớn chừng 3.000m2, đòi hỏi phải có nơi để đóng gói lan, chứa vật tư nông nghiệp, phụ kiện và trang thiết bị.

"Tuy nhiên, những nông dân, HTX thực sự có nhu cầu xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn", ông Hùng nói.

Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) chia sẻ, đơn vị đang muốn mở rộng nhiều mô hình NNCNC tại TP.HCM. Tuy nhiên, cái khó là việc xây dựng nhà kính, nhà lưới trên đất nông nghiệp hiện nay chưa được thông qua.

Thành viên HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) trồng rau trong nhà màng. Ảnh: Kiến Bình

Thành viên HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) trồng rau trong nhà màng. Ảnh: Kiến Bình

Trong khi đất nông nghiệp bỏ hoang của TP.HCM còn nhiều, HTX đi thuê thì chính quyền nhiều nơi không cho phép làm nhà kính, nhà lưới. HTX Tuấn Ngọc đã phải phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại sang nhiều tỉnh thành khác, như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Mai Văn Khánh - Giám đốc HTX Rasafood, Hóc Môn là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa. Trong khi nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng tăng thì việc hỗ trợ vốn, chính sách là động lực để các HTX, doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Thế nhưng, việc phát triển NNCNC còn gặp khó. "Cơ quan chính quyền cần quan tâm đến tổ chức kinh tế tập thể, trong đó tạo điều kiện để các HTX có thể triển khai nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế đóng gói", ông Khánh đề xuất.

Năm 2014, HTX Phước An (huyện Bình Chánh) và thành viên được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 14,9 tỷ đồng xây dựng 15 nhà lưới trồng rau an toàn. HTX Phước An cũng được hỗ trợ kinh phí xây dựng kho hàng chế biến nông sản.

Nhiều HTX nông nghiệp ở TP.HCM còn gặp khó trong đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Ảnh: K.B

Nhiều HTX nông nghiệp ở TP.HCM còn gặp khó trong đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm. Ảnh: K.B

Tuy nhiên, đến nay rau của HTX Phước An vẫn chỉ tiêu thụ nội địa do nhà sơ chế chưa được đầu tư đúng chuẩn. Ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX đề nghị, TP.HCM có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí, cho thuê đất công để đầu tư làm nhà sơ chế đạt chuẩn.

Chi cục Phát triển nông thôn (TP.HCM) cho biết, sẽ tiếp tục triển khai Đề án Phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2024; chủ động nắm bắt, phối hợp hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của HTX.

Chi Cục sẽ tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho HTX (sau khi Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển HTX được HĐND Thành phố thông qua). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem