Huawei của Trung Quốc công kích Mỹ, Samsung tham vọng ngành chip
Huawei của Trung Quốc công kích Mỹ, Samsung tham vọng vung 116 tỷ đô
Huỳnh Dũng
Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:30 AM (GMT+7)
Huawei đã đổ lỗi cho Mỹ về tình trạng thiếu chip toàn cầu, khi họ kêu gọi hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu để hình thành một chuỗi cung ứng chất bán dẫn mới.
Huawei của Trung Quốc công kích Mỹ vì tình trạng thiếu chip toàn cầu
Thị trường đang lâm vào tình trạng thiếu chip toàn cầu và có vẻ như giai đoạn này sẽ kéo dài đến đầu năm sau. Việc thiếu chip khiến các công ty buộc phải giảm kế hoạch sản xuất và đẩy giá thiết bị lên. Đương nhiên, các nhà phân tích đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 vì mọi thứ. Những dấu hiệu sớm nhất của sự cố do thiếu chip đã xuất hiện vào mùa xuân năm 2020. Vào thời điểm đó, thế giới đang trong giai đoạn của làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất, Covid-19 loại bỏ nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau đó khi nền kinh tế của các quốc gia dần phục hồi đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Internet và công nghệ điện toán di động. Sự thay đổi lớn này được thực hiện trong vài tháng đã mở đường cho ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là cốt lõi của mọi thứ từ máy tính, điện thoại thông minh đến ô tô và TV, tất cả rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn sau vụ cháy xưởng đúc chip Renesas vào tháng 3/2021, và hậu quả nó để lại đã và đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Nhưng ngược lại về phần mình, công ty Trung Quốc Huawei đổ lỗi cho chính quyền Nhà Trắng. Theo Huawei, chính các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm dấy lên làn sóng mua linh kiện và chip nói chung một cách hoảng loạn; mà cuối cùng đã trở thành lý do cho sự thiếu hụt này.
Giám đốc điều hành Huawei Eric Xu cho biết trong một bài phát biểu tại sự kiện hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích Huawei lần thứ 18: "Chúng tôi đã chứng kiến cơn hoảng loạn dự trữ từ các công ty toàn cầu, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, do tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei. Trước đây, các công ty hầu như không tích trữ linh kiện, nhưng giờ họ đang trữ hàng tồn kho trong vòng 3 hoặc 6 tháng. Điều đó đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống".
"Rõ ràng là các lệnh trừng phạt không chính đáng của Mỹ với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung trong toàn ngành, và điều này thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới", ông Eric Xu nói thêm.
Cũng theo người quản lý hàng đầu của Huawei, chính Hoa Kỳ có thể là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với các lệnh trừng phạt của mình, Mỹ đã phá hủy mối quan hệ đối tác và niềm tin tồn tại trong chuỗi cung ứng chip.
Hiện tại, ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất chip trong nước thay vì dựa vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi cần phải có ít nhất 1.000 tỉ USD đầu tư trả trước, kéo theo điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá chip và kết quả là thẻ giá cho thiết bị điện tử sẽ lao lên vùn vụt.
Eric Xu cho rằng, Huawei đang tìm cách thoát khỏi tình trạng này khi đơn giản là họ bị tước đi cơ hội mua chip. Hiện công ty vẫn còn một lượng linh kiện dự trữ nhất định, nhưng điều này sẽ không kéo dài. Do đó, công ty tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để bắt đầu tự sản xuất bộ chip xử lý trong tương lai. Và cũng có khả năng các công ty Trung Quốc khác cũng sẽ bắt đầu sản xuất chip.
Trước cuộc khủng hoảng chưa từng có, các chính phủ cùng với các doanh nghiệp đua nhau tung ra kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này.
Các đại gia ngành chip hành động
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất chi 37 tỷ USD để tăng cường hoạt động sản xuất chip tại nước này. Hiện tại, 4 nhà máy đang dự kiến được xây dựng tại Mỹ, gồm 2 nhà máy tại bang Arizona (của TSMC và Intel) và một nhà máy khác tại Texas. Trung Quốc cũng tung ra nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương tây.
Ở phía các "đại gia" ngành chip, TSMC mới đây công bố kế hoạch chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới để mở rộng các cơ sở sản xuất chip. Kế hoạch này được bổ sung vào kế hoạch trị giá 28 tỷ USD đầu tư tăng năng lực sẩn xuất của TSMC. Con số khổng lồ này cho thấy quyết tâm của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới trong việc giải quyết nhu cầu bùng nổ với các công nghệ mới trong tương lai.
Trong khi đó, Intel đầu tháng này tuyên bố sẽ cạnh tranh trực tiếp với TSMC trong mảng thầu sản xuất chip cho các công ty khác với việc đầu tư 20 tỷ USD xây 2 nhà máy tại bang Arizona. Không bỏ lỡ cơ hội, Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư 116 tỷ USD trong một thập kỷ tới để mở rộng hoạt động kinh doanh chip của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.