Vượt khó đi lên
Chúng tôi về Hưng Tây vào một ngày giữa tháng 7, đúng vào thời điểm mà ngưỡng nhiệt độ ở đây luôn giữ "ổn định" mức 40 - 41 độ C. Con đường nhựa phẳng lì nối từ xã Hưng Chính đi Hưng Tây vẫn còn ngai ngái mùi nhựa đường mới trải.
|
Cống T2 tại xã Hưng Tây đã được xây mới. |
Từ ngày con đường được đổ nhựa, bà con nơi đây ai cũng mừng; bởi cách đây chỉ vài tháng, con đường này vẫn là đường cấp phối, do lâu ngày không được tu sửa nên ổ gà, ổ voi chẳng chịt. Người dân đi xe một mình còn đỡ, chứ chở hai người, hay đèo hàng thì chẳng khác nào đánh vật trên đường.
Khi được hỏi về con đường mới này, ông Võ Đình Vinh, ở xóm 2, xã Hưng Tây mừng ra mặt, ông Vinh nói: "Từ ngày làm đường mới, bà con chở phân, lúa đỡ hẳn, chứ như trước thì…".
Ông Vinh bỏ lửng câu nói, rồi dẫn chúng tôi ra vệ đường vẻ mặt phấn khởi: "Bây giờ, lòng đường được nới rộng ra 6m, thoải mái cho 2 xe tránh nhau. Lúc đầu vận động xây dựng NTM, nhiều người cứ cho đó là hô khẩu hiệu cho vui, nhưng giờ thấy NTM có lợi thì ai cũng mừng".
Ông Nguyễn Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho biết, xã có 26 thôn, xóm với 10.500 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu từ nghề nông. Tháng 10.2010 khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã mới chỉ có 7 tiêu chí đạt và gần đạt.
"Hiện chúng tôi đã cơ bản nhựa và bê tông hóa các trục đường, xây mới 1 trường cấp I, 1 chợ xã dự kiến cuối năm sẽ đưa vào sử dụng. Tính đến nay, chúng tôi đã đạt 9/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí gần đạt như trường học, chợ nông thôn, thủy lợi…" - ông Thu cho biết thêm.
Hết lo nước tràn đường, vỡ cống
Không chỉ ưu tiên phát triển đường giao thông, Hưng Tây còn rất chú trọng đến việc phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Hưng Tây có nhiều kênh mương, nhưng con kênh T2 là lớn và quan trọng nhất; ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000ha lúa nó còn có nhiệm vụ xả lũ, tiêu nước.
Mặc dù có nhiệm vụ quan trọng như vậy, nhưng cống điều tiết nước ở khu chợ Già do xây dựng từ lâu, nên xuống cấp rất nghiêm trọng, vào mùa mưa cống bé không kịp thoát nước, nước dâng lên đường, ruộng khiến người dân rất ái ngại.
"Hưng Tây có 101ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 55ha nuôi cá và 46ha chuyên canh lúa cá, giá trị đạt trên 100 triệu/ha/năm. Ngoài ra còn có khoảng 1.500 con trâu, 1.000 con bò, 1.500 lợn và khoảng 75.000 gà, vịt".
Để khắc phục, tháng 2.2012, Ban quản lý Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp (thuộc Sở NNPTNT Nghệ An) đã đầu tư xây lại mới cống này và hiện công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Anh Nguyễn Văn Tình - Đội trưởng Đội thi công cống chợ Già cho hay, cống có chiều rộng 3m, cao 2m và dài hơn 11m, trong khi đó cống cũ chỉ cao gần 2m, rộng 2,5m, dài khoảng 8m, nên khi lũ không kịp thoát nước và việc tràn lên đường là điều dễ hiểu.
"Với thiết kế cao, cống mới rộng hơn cống cũ và có cửa chắn để hãm và xả nước rất thuận tiện. Năm nay chưa có trận lũ nào to, nhưng tôi tin sẽ không còn tình trạng nước tràn lên đường như trước nữa" - ông Tình cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về cách quản lý thi công công trình trên địa bàn xã, ông Thu cho biết: "Tất cả các công trình như đường giao thông, cống thủy lợi, hay chợ, trường học…, chúng tôi đều thành lập ban giám sát cộng đồng để "trông nom" việc thi công và đốc thúc tiến độ. Do đó hầu hết công trình đều có chất lượng tốt".
Việt Tùng - Bảo An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.