Hướng bán nông sản sang... Trung Quốc

Thứ ba, ngày 10/04/2012 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên tục từ đầu năm đến nay, tại các địa phương đã xảy ra tình trạng dư thừa, ế các sản phẩm nông sản như rau, củ, sắn, mía đường… Bộ NNPTNT cho biết, sắp tới Bộ sẽ xây dựng “Đề án tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc”.
Bình luận 0

Trung Quốc vẫn là thị trường chính

Theo đánh giá, phần lớn các mặt hàng nông sản của nước ta bị “tắc” trong thời gian qua, chủ yếu là những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như sắn, mía đường, dưa hấu và một số loại rau, củ khác.

img
Thu gom dứa xuất bán sang Trung Quốc tại Lào Cai.

Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Từ nhiều năm qua, chúng ta vẫn thực hiện việc xuất khẩu các mặt hàng như rau, củ, quả, sắn, dưa hấu, xoài, thanh long, vải thiều sang Trung Quốc theo hình thức biên mậu, không có hợp đồng tiêu thụ, nên chúng ta không xây dựng được kế hoạch sản xuất để cân đối cung- cầu”.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hòa tiết lộ: “Hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng “Đề án xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc”. Khi triển khai đề án này sẽ đảm bảo vừa tiêu thụ đuợc các mặt hàng nông sản, vừa đảm bảo được giá bán một cách hợp lý.

Riêng đối với mặt hàng mía đường, ông Hoà thông tin: “Niên vụ mía đường 2011-2012, dự báo sẽ đạt 1,4 triệu tấn đường, cộng với lượng đường tồn dư và lượng đường nhập khẩu là 1,57 triệu tấn. Song theo khảo sát, năm nay các doanh nghiệp sản xuất không tích trữ đường theo quý mà chủ yếu mua nhỏ giọt do lãi suất ngân hàng cao dẫn tới đường tồn kho lớn, khoảng gần 400.000 tấn”.

Chính vì thế, Bộ NNPTNT đã đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất 100% để tạm trữ 200.000 tấn đường trong thời gian 3 tháng, để đẩy giá đường lên cao trước thời điểm trung thu, nhằm đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Sẽ công bố nhãn thức ăn chăn nuôi có chất tạo nạc

Về thông tin liên quan đến chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra quyết liệt vấn đề này và đây là vấn đề đáng báo động, cần có biện pháp xử lý. Trong những ngày tới Bộ NNPTNT sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng và đưa ra các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này”.

Kết quả kiểm tra chất tạo nạc cho thấy, đến nay, Cục Chăn nuôi đã kiểm tra 268 mẫu thức ăn chăn nuôi có 13 mẫu dương tính, chiếm 4,8 %; thuốc thú y có 18 mẫu thì có 2 mẫu (11,1%); thịt và gan lợn 179 mẫu có 8 mẫu dương tính (4,4%); nước tiểu 108 mẫu có 7 mẫu dương tính (6%).

Trả lời câu hỏi của Báo NTNN đề nghị giải pháp, vì sao Cục Chăn nuôi vẫn chưa công bố tên các doanh nghiệp (miền Bắc) có sản xuất, kinh doanh chất tạo nạc, ông Sơn khẳng định: “Đây là một giải pháp quan trọng mang tính răn đe. Tuy nhiên, việc này khá “tế nhị” như năm 2006, chúng ta công bố 6 doanh nghiệp sản xuất thức ăn có mẫu dương tính (với Salbutamol - PV), các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài phản ứng và Cục phải gửi mẫu sang Singgapore để phân tích. Kết quả định lượng cho thấy chỉ còn 3 doanh nghiệp; như vậy là oan cho họ. Lần này, chúng tôi sẽ kiểm tra lại lần nữa để xác định chính xác và sẽ công bố.

Hiện nay, trong các mẫu thức ăn chăn nuôi, một số mẫu do Cục thực hiện. Với những mẫu này sẽ thống nhất với Thanh tra Bộ để công bố. Còn các mẫu của các tỉnh cũng chưa cung cấp danh sách, Cục sẽ kiểm tra và công bố. Theo ông Sơn cho biết, để kiểm tra chất tạo nạc, hàng năm Cục Chăn nuôi vẫn thực hiện trong chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm. Lần này, về thức ăn chăn nuôi, Cục sẽ mở rộng kiểm tra cả doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem