Hướng đi của thời đại - Vì một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 15:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị được Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh theo phương pháp lên men ủ háo khí.
Bình luận 0

Trong suốt quá trình đó, Tập đoàn đã không ngừng cải tiến, nâng cao năng lực, công suất, nhằm có được những sản phẩm tối ưu nhất, với mục đích giúp người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, một môi trường sinh thái hài hòa, bền vững. Từ sự định hướng rõ ràng đó, Tập đoàn đã nghiêm chỉnh đi theo hướng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao. Từ lúc chỉ có 1 công ty, với công suất 5.000 tấn/năm, đến nay Tập đoàn đã có tới 8 công ty thành viên với 6 nhà máy sản xuất phân bón, 1 viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, 1 công ty đầu tư tài chính và phát triển nguồn nhân lực hoạt động không chỉ ở trong nước mà còn vượt ra ngoài biên giới Quốc gia, với công suất hàng trăm ngàn tấn/năm.

img
Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm trên cây su su.

Đánh giá về những kết quả mà Tập đoàn Quế Lâm đã đạt được trong hơn 10 năm qua, tiến sĩ Trần Khải – nguyên Thứ trưởng (Bộ NNPTNT), Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam đã nhận xét rằng: “Sự phát triển nhanh chóng của Tập đoàn Quế Lâm trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực được coi là tiềm ẩn nhiều rủi ro đã khẳng định được 2 yếu tố cơ bản. Một là, chất lượng sản phẩm được duy trì và nâng cao, mang lại hiệu quả và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng; Hai là, tư duy chiến lược rõ ràng, được xây dựng và thực hiện bởi một đội ngũ lãnh đạo quản lý có trí tuệ, có tâm huyết, có sự đoàn kết và quyết tâm cao…”.

Để sản xuất sạch phải có phân bón hữu cơ vi sinh

Trong bối cảnh chung sản xuất “nặng mùi” hóa học, dư lượng kháng chất, thuốc BVTV trong cây trồng, vật nuôi ngày càng cao; những người tiêu dùng thông minh họ đang tìm đến những sản phẩm rau, củ, quả được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn. Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.500ha rau, củ, quả được sản xuất theo quy trình rau an toàn (RAT), phân bố ở 166 xã, HTX, với sản lượng đạt khoảng 350.000 tấn/năm, (khoảng 900 tấn/ngày) và từ năm 2009 đến nay, để đáp ứng nhu cầu rau an toàn cho người dân, thành phố Hà Nội tin tưởng và lựa chọn Tập đoàn Quế Lâm cung ứng 100% lượng phân bón hữu cơ vi sinh cho đề án “ Trồng và tiêu thụ rau an toàn của thành phố Hà Nội và chương trình môi trường quốc gia đảm bảo ATVSTP trong sản xuất nông lâm thủy sản”.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, thu nhập của người sản xuất RAT đạt từ 400 – 500 triệu đồng /ha/năm. Đây là mức khá cao so với sản xuất truyền thống, giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển thêm diện tích RAT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Hồng Anh – Phó trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, đánh giá cao mô hình đưa phân hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm vào sản xuất RAT. “Để sản xuất sạch phải có phân hữu cơ vi sinh. Đặc điểm của phân hữu cơ vi sinh là giúp cây trồng khỏe, chống chịu được sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, úng, hay rét đậm, giúp cải đạo chất đất, mùn giun phát triển, tăng độ tơi xốp cho đất. Và một điều rất quan trọng, là dùng phân hữu cơ vi sinh sẽ “sạch” các kháng chất gây hại cho sức khỏe, giúp rau, củ, quả sạch hơn, ăn ngon hơn” – ông Anh nhấn mạnh.

img
Ruộng lúa sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm.

Ông Đặng Bá Thắng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, HTX đã triển khai mô hình RAT được 3 năm nay, với 56 ha, chủ yếu các loại như: Cà chua, súp lơ, cải xanh, bắp cải… Ông Thắng cho hay: “Sản xuất theo quy trình RAT người dân phải tuân thủ các quy trình như: Làm đất, bón phân, phun thuốc BVTV đúng, đủ thời gian cách được phép thu hoạch. Trong đó 100% phải bón phân hữu cơ, dùng thuốc BVTV sinh học. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều loại phân, nhưng phân hữu cơ sinh học và phân bón qua lá Quế Lâm là đáng tin cậy và hiệu quả nhất”.

Chị Nguyễn Thị Lan, Đội 4, Đại Lan, xã Duyên Hà( Thanh Trì, Hà Nội) vui vẻ cho hay: “Tôi trồng rau hơn 10 năm nay, trước kia toàn dùng phân hóa học, nên đất bị “thối”, bạc màu. Làm được vài vụ lại phải rắc vôi bột, thả nước vào ngâm cho lại đất, 3 năm nay tôi chuyển sang dùng phân hữu cơ sinh học Quế Lâm, năng suất rau màu tăng lên, đặc biệt là đất ngày càng tơi xốp, không bị “thối” đất như trước đây”.

Trong định hướng cùng các cơ quan ban ngành và nông dân 6 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình) tạo thương hiệu cho cây rau su su, Tập đoàn Quế Lâm cũng đã ký cam kết cung cấp phân hữu cơ vi sinh để sản xuất cây rau su su, hướng đến sản xuất sạch, đưa sản phẩm đi xuất khẩu.

Sản xuất gạo hữu cơ người dân lãi thêm 10%

Vụ đông xuân vừa qua, Tập đoàn đã triển khai thí điểm 123ha ở 6 HTX, thuộc 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế, trong đó trồng khảo nghiệm hai giống lúa mới của Quế Lâm là DT 39 và DT 68. Sau khi ký hợp đồng với các HTX, Tập đoàn đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho các xã viên, đồng thời cung ứng 100% phân bón vi sinh Quế Lâm, cam kết thu mua 100% lúa trong mô hình với giá cao hơn thị trường 10%. Hiện tất cả các diện tích đã thu hoạch xong, sản lượng hơn 700 tấn, năng suất đạt 5,8 – 6 tấn/ha.

Ông Lê Duy Chung- Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: “Vụ đông xuân năm 2012-2013, hợp tác xã đã triển khai dự án 30ha sản xuất lúa gạo hữu cơ, đối chứng với các ruộng lúa sản xuất truyền thống, mỗi sào người nông dân tiết kiệm gần 200.000 đồng tiền phân bón (trong đó tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hóa học), công chăm sóc và năng suất cao hơn, tính ra lời được gần 6 triệu đồng/ha, đó là chưa kể Tập đoàn mua giá cao hơn 10%”.

Tập đoàn Quế Lâm trong quá trình phát triển luôn đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu, đặc biệt, đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển công nghệ sinh học cũng như các công nghệ mới có tính thân thiện và bảo vệ môi trường để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp và cho cả cộng đồng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một môi trường trong lành, bền vững.

Còn anh Lê Văn Hùng, xã viên HTX Thanh Hưng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) thì cho rằng: “Bón phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm rất có lợi cho đồng đất, khí hậu khô hạn như miền Trung. Loại phân bón này giúp cho cây lúa tăng cường khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh…”.

Nói về chặng đường phát triển của Tập đoàn, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm bày tỏ: “Hơn 10 năm tồn tại và phát triển, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững với các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, vì vậy đã được các cơ quan, ban ngành trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng “Bông lúa vàng” năm 2006, 2007, 2008, 2009; giải thưởng “Doanh nghiệp Việt Nam uy tín – Chất lượng” năm 2006, 2007, 2008; giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2008”; giải thưởng “Cúp vàng sản phẩm dịch vụ ưu tú hội nhập WTO” năm 2008; giải thưởng “Công nghệ Xanh Việt Nam” năm 2009; “Sản phẩm vàng thời hội nhập” năm 2011… Nhưng điều chúng tôi vui nhất là đã giúp được người dân biết sử dụng sản phẩm an toàn, từ đó nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần cải tạo đất, cải tạo môi trường trong lành hơn. Chặng đường còn dài, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, tiếp tục phấn đấu để xứng với các thành tích, danh hiệu, giải thưởng đã đạt được, đặc biệt là xứng đáng với niềm tin, sự yêu mến của quý khách hàng đã dành cho Tập đoàn Quế Lâm”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem