Chính quyền phạt, dân vẫn cưới
Theo ông Nguyễn Văn Hinh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Mèo Vạc, thì tình trạng tảo hôn xảy ra ở Mèo Vạc chủ yếu là ở các dân tộc ít người, trong đó nhiều nhất là người Mông; còn xã để xảy ra tình trạng này nhiều nhất là xã Giàng Chu Phìn; thời gian thường xuyên xảy ra tảo hôn là trước, sau Tết Nguyên đán. Chính quyền đã dùng nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến răn đe, xử phạt nhưng chưa thể giải quyết triệt để.
Một trong những khó khăn là hệ thống pháp luật về xử lý tảo hôn hiện nay còn nhiều bất cập, xử phạt đối với hành vi tảo hôn còn thấp, chỉ có 200.000 đồng và hiện cũng chưa có cơ quan nào chuyên trách về vấn đề này nên tình trạng tảo hôn còn diễn biến phức tạp.
Trong các buổi họp ở bản Tát Ngà, vấn đề tảo hôn luôn được đưa ra và giám sát chặt chẽ.
Nói về thực trạng này trên địa bàn, ông Lò Văn Sì - Chủ tịch UBND xã Tát Ngà lắc đầu: “Các cặp tảo hôn ở đây đều làm cưới hỏi cả đấy. Có người biết đến khuyên can, xóm, xã đến nói hết nhẽ mà họ chẳng nghe. Ở đây, nhiều bà con người Mông, người Giáy vẫn theo phong tục, tập quán cũ, cho rằng con gái học đến biết chữ là được rồi, lấy chồng sớm cũng giúp gia đình bớt đi gánh nặng.
Tiệc cưới, hỏi của trẻ vị thành niên cũng rôm rả, công khai, có đám làm cỗ mời anh em, bạn bè, họ mạc lên tới 50 - 60 mâm. Có điều, vì bản thân người vợ, thậm chí cả người chồng, đều chưa đủ tuổi kết hôn, nên các cặp đôi này dù đã tổ chức cưới xin vẫn không được pháp luật công nhận”.
Hương ước chống tảo hônTrong khi chính quyền còn chưa có cách nào giải quyết dứt điểm nạn tảo hôn trên, thì chính người dân các bản ở Tát Ngà đã ý thức được điều này, họ đã tự họp bàn để lập ra hương ước phòng chống tảo hôn. Và xã Tát Ngà trở thành địa phương đi đầu lập mô hình hương ước của bản, trong đó quy định rất chặt chẽ về phòng chống tảo hôn.
Ông Vi Văn Pảo-Trưởng bản Tát Ngà (xã Tát Ngà) kể: Bản Tát Ngà, hiện có 66 hộ gia đình đang sinh sống. Trước đây, trong bản có rất nhiều đôi kết hôn sớm (trước 18 tuổi). Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng không thể lo được cho cuộc sống của mình vì tuổi đời còn quá trẻ. Nhiều trường hợp khi ra ở riêng lại không sống được với nhau dẫn đến ly hôn, gây khó khăn cho gia đình và địa phương.
"Để xóa bỏ tận gốc tình trạng tảo hôn thì sự tự nhận thức của đồng bào là điều quan trọng nhất. Mô hình hương ước bản là một sự sáng tạo, thể hiện được quyết tâm của bà con và đem lại hiệu quả rõ rệt… ”.
Ông Nguyễn Văn Hinh
|
Để thay đổi nhận thức của bà con, năm 2009, được sự đồng ý của Đảng ủy xã, tôi cùng nhiều cán bộ và người có uy tín trong bản như ông Châu Văn Pênh, Vi Văn Liêng, cùng toàn thể bà con trong bản đã họp bàn để xây dựng quy ước bản.
Sau nhiều lần họp, các hộ dân trong bản đã thống nhất đưa ra được bản quy ước chung, theo đó hàng tháng toàn thể người dân trong bản sẽ họp một lần tại nhà cộng đồng, ai không đi họp sẽ bị phạt 5kg thóc. Trong cuộc họp bản, mọi người cùng kiểm điểm nhiều vấn đề, trong đó vấn đề tảo hôn được giám sát rất chặt chẽ. Hộ nào để xảy ra việc này, mọi người sẽ khuyên giải để từ bỏ và bị phạt 500 nghìn đồng.
Chủ tịch xã Tát Ngà - Lò Văn Sì cho biết thêm: “Thời gian đầu, cán bộ xã, huyện cũng về tận nơi để tuyên truyền cho bà con biết về tác hại của việc tảo hôn cưới sớm và vận động đồng bào từ bỏ tệ nạn này. Nhờ có sự vào cuộc của chính quyền và nhất là ý thức của người dân, nên từ khi thực hiện hương ước, ở bản Tát Ngà đã không để xảy ra trường hợp tảo hôn nào nữa”.
Từ mô hình xã Tát Ngà, hương ước xoá bỏ tảo hôn đã được nhân rộng ra các xã khác ở Mèo Vạc. Nhờ sự quyết tâm đó, nhất là sự cố gắng của đồng bào Mông, mà những năm qua, tình trạng tảo hôn đã có được kết quả đáng khích lệ. Riêng năm 2013, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã giảm được 43 cặp tảo hôn so với năm 2012.
Lê San (Lê San)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.