“Hụt hơi” thu thuế dịch vụ xuyên biên giới

Thứ bảy, ngày 16/12/2017 08:15 AM (GMT+7)
Ba năm hoạt động (2014 – 2016), Grab báo lỗ luỹ kế gần 1.000 tỉ đồng, đóng thuế 9,5 tỉ đồng, nhưng chỉ trong mười tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp này lại nộp đến 142,3 tỉ đồng thuế, như trong thông báo số 14393/TB-CCT-KK-KTT&TH của chi cục thuế Q.10 (TP.HCM) xác nhận vào ngày 27.11.2017.
Bình luận 0

Theo thông tin từ cơ quan thuế, doanh thu của Grab trong ba năm, từ 2014 - 2016 là 1.755 tỉ đồng. Vì mô hình kinh doanh “dịch vụ xuyên biên giới” lỗ tổng cộng 938 tỉ đồng trong ba năm nên không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Từ những số liệu trên, cho thấy doanh thu và số thuế nộp của Grab không nhất quán, đã làm nhiều người không tin rằng Grab trong 10 tháng đầu năm 2017 đã nộp thuế 142,3 tỉ. Từ đó, đặt ra câu hỏi liệu ngành thuế đã thu đúng và đủ với Grab chưa?

img

Taxi Hà Nội kêu gọi mọi người đi taxi truyền thống để đóng thuế cho nhà nước, ảnh chụp ngày 30.11.2017. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Jerry Lim, giám đốc Grab Việt Nam, cho rằng: “Nếu muốn so sánh lượng thuế đã nộp cho nhà nước của đơn vị cung cấp ứng dụng đặt xe công nghệ như Grab, với thuế của các hãng taxi truyền thống, phải cộng số thuế của Grab với số thuế mà các đối tác của Grab (từ các đối tác tài xế đến các hợp tác xã, các công ty sở hữu xe) đã nộp, mới ra đúng số thuế của dịch vụ đặt xe công nghệ đóng góp vào ngân sách nhà nước”. Cũng theo vị giám đốc này, tính thuế đúng luật, các công ty phát triển phần mềm luôn được mức thuế thấp hơn nhiều so với các công ty taxi. Thực tế, Grab chỉ nhận được có 20 – 25% phí mà người đi xe trả nên chỉ chịu trách nhiệm nộp thuế cho phần doanh thu đó, chưa kể phải chi rất nhiều cho các hoạt động như là tiếp thị, quảng bá trong giai đoạn “khởi nghiệp”. Chia sẻ về quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, với những gì Grab đang làm, vận hành quá trình năm khâu như một doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống: kết nối, định giá, vận hành, thanh toán, nhận phản hồi của khách hàng nên mức thuế sẽ được tính khác.

Bên nào cũng có cái lý, nhưng chưa có luật phân định. Ứng xử với Grab, Uber chỉ là một trong những bài toán khó mà cơ quan thuế đang đối mặt. Gần đây, cơ quan thuế thua kiện ông Nguyễn Việt Cường (Bến Tre), người tham gia mua bán đồng tiền điện tử Bitcoin và phải rút quyết định thu thuế hơn 2,6 tỉ đồng. Biết ông Cường có phát sinh thu nhập, nhưng ngành thuế không thể thu thuế do loại hình kinh doanh tiền điện tử không được coi là hàng hoá để đăng ký kinh doanh thương mại, cũng như hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế chưa có. Trước đó, ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ Bitcoin và các loại tiền ảo, không phải là tiền tệ.

Grab, Uber, Facebook, Google, Netflix, Agoda, Booking.com… đang phát triển mạnh. Còn ngành thuế đang lúng túng về cách thức quản lý mới khi những sản phẩm, dịch vụ công nghệ, kỹ thuật số ngày càng “bành trướng mạnh”. Hiện nay, cách thức quản lý thuế chưa đáp ứng được đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh bằng công nghệ, từ đó không thể xác định doanh thu phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp này không hề dễ dàng, dẫn đến việc thất thu thuế là điều tất yếu. Trong dự thảo luật Quản lý thuế, bộ Tài chính đã đề xuất hàng loạt các giải pháp, như yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (Napas), nhưng đây cũng là giải pháp bất khả thi.

Nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ đang là xu hướng trên toàn thế giới. Việt Nam không ngoại lệ để hạn chế hay “quản không được thì cấm”! Không có Grab, Uber hay Facebook, sẽ có những “Grab, Uber, Facebook” khác. Ngành thuế cần có các giải pháp tầm vĩ mô, có tầm nhìn dài hạn để thu thuế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp.        

Sơn An (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem