Cần Giờ đề xuất cho đăng ký mã số cơ sở nuôi yến để đưa yến sào ra nước ngoài

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 15/09/2023 10:35 AM (GMT+7)
Huyện Cần Giờ (TP.HCM) đề xuất cần sớm có hướng dẫn đăng ký mã số cơ sở nuôi yến tại Chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP năm 2023 diễn ra mới đây.
Bình luận 0

Cụ thể, đại diện Hội Nông dân huyện Cần Giờ, địa phương có nghề nuôi yến lớn nhất TP.HCM, cho biết hiện nghề nuôi yến đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Chất lượng sản phẩm yến ở đây được đánh giá cao. Vì vậy, để các cơ sở nuôi yến đủ điều kiện xuất khẩu, vị đại diện này đề nghị cần sớm có hướng dẫn đăng ký mã số cơ sở nuôi yến.

Huyện Cần Giờ đề xuất cho đăng ký mã số cơ sở nuôi yến để xuất khẩu yến sào - Ảnh 1.

Nghề nuôi yến ở Cần giờ được xác định là ngành nghề chủ lực ở địa phương. Ảnh: T.Đ

Chưa quy hoạch xong vùng nuôi yến

Hiện, huyện Cần Giờ hiện có 519 căn nhà nuôi chim yến lấy tổ. Hàng năm, cho thu hoạch 13 - 14 tấn tổ yến và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận yến sào Cần Giờ vào năm 2019.

Ngoài ra, huyện Cần Giờ có 44 cơ sở sơ chế và chế biến tổ yến. Trong đó, có 39 cơ sở sơ chế, 5 cơ sở chế biến sâu, 4 đơn vị đủ điều kiện và được huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu yến Sào Cần Giờ.

Hiện, có 12 sản phẩm yến sào của 4 chủ thể được chứng nhận OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP.

Hàng năm, nghề muôi yến ở huyện Cần Giờ mang lại giá trị khoảng 300 tỷ đồng góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện.

Tuy nhiên, hoạt động dẫn dụ nuôi và sản xuất chế biến tổ yến trên địa bàn huyện còn riêng lẻ; chất lượng không đồng đều, chưa có nghiên cứu sâu để nâng cao chất lượng tổ yến; một số mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chưa tương xứng với giá trị sản phẩm; chưa khai thác hết giá trị sử dụng của tổ yến và chưa có giải pháp hiệu quả để bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận "Yến sào Cần Giờ".

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng chưa ban hành quy hoạch vùng nuôi yến ở Cần Giờ, dẫn đến bà con nông dân chưa đầu tư mạnh cho nghề nuôi yến. Sở NNPTNNT TP. HCM cho biết Sở đang tham mưu xây dựng, hoàn chỉnh Đề án phát triển vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP, trong đó có huyện Cần Giờ.

Bà Trần Kim Thúy, nông dân nuôi yến ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) cho biết, nghề nuôi yến trong nhà đã giúp cho gia đình bà và những hộ nuôi yến trên địa bàn khá lên thấy rõ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi yến, cho đến giờ nghề nuôi yến vẫn được xem là tự phát, nhỏ lẻ.

"Bà con nuôi yến không dám mạnh dạn đầu tư để phát triển nghề vì TP có quy hoạch vùng nuôi đâu", bà Thúy thổ lộ.

Cũng theo bà Thúy, UBND huyện Cần Giờ có bố trí khu vực nuôi yến tập trung diện tích 500 ha thuộc xã Tam Thôn Hiệp với hệ thống giao thông cơ bản đã hình thành, có diện tích rừng lớn và thuận lợi cho việc mở khu du lịch sinh thái, làng nghề nuôi yến tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế thủ tục xây dựng nhà yến trong khu tập trung này rất khó khăn khiến bà con chưa mặn mà...  

Cần chính hỗ trợ nghề nuôi yến

Huyện Cần Giờ đề xuất cho đăng ký mã số cơ sở nuôi yến để xuất khẩu yến sào - Ảnh 3.

TP.HCM vẫn chưa quy hoạch xong vùng nuôi yến trên địa bàn, trong đó có huyện Cần Giờ. Ảnh: T.Đ

UBND huyện Cần Giờ cho biết, nghề nuôi yến được xác định là ngành nghề chủ lực của địa phương... Huyện Cần Giờ đang lập quy hoạch sử dụng đất, trong đó dự kiến bố trí quỹ đất nông nghiệp khác tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn để phát triển vùng nuôi chim yến và hoạt động sản xuất khác.

Vừa qua, tại Cần Giờ đã tổ chức Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2, với Chủ đề "Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ". Nhiều ý kiến tại Chương trình cho rằng để phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả nghề nuôi chim yến hiện nay, cũng như về lâu dài, Cần Giờ cần thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên.

Song song đó, ngành chức năng huyện cần tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, hộ nuôi, nhất là chú trọng, khuyến khích nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Mặt khác, có cơ chế quản lý và thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, không nơi tiêu thụ, làm hạ giá thành tổ yến.

Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi chim yến, sản xuất chế biến, kinh doanh yến sào tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào, xuất khẩu tổ yến...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem