Chuyện làm đơn xin thoát nghèo ở huyện miền núi vùng cao của Quảng Ninh
Huyện miền núi nào của tỉnh Quảng Ninh có 104 hộ viết đơn xin thoát nghèo trong 5 năm qua?
Nguyễn Quý
Thứ tư, ngày 26/05/2021 15:10 PM (GMT+7)
Trong 5 năm qua, đã có 104 hộ dân của xã 6 xã vùng cao huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Điều đó thể hiện quyết tâm thoát nghèo, không trông chờ lại vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước của người dân nơi đây.
Những năm trước, nhiều người dân Ba Chẽ còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng "còn nghèo là còn lợi". Thậm chí, thông qua các đợt rà soát hộ nghèo, nhiều gia đình đã đủ điều kiện song vẫn kiên quyết không thoát nghèo. Thế nhưng hiện nay, tư tưởng ấy đã dần bị loại bỏ.
Trong những cuộc họp thôn, xã, nhiều người dân đã hăng hái tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Nhiều người còn thẳng thắn phê bình những hộ đã đủ điều kiện thoát nghèo nhưng cố tình giấu tài sản để tạo sự "thiếu điểm".
Điều này chứng tỏ sự thay đổi nhận thức không hề nhỏ của một bộ phận người dân trong diện nghèo tại các xã vùng cao huyện Ba Chẽ.
Gia đình chị Bàn Thị Nhung (thôn Khe Mười) trước kia là một trong những hộ nghèo của xã Đồn Đạc. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa tiếp cận được phương pháp nuôi trồng khoa học, chị liên tiếp gặp thất bại hết lần này đến lần khác, vốn liếng không thể thu hồi.
Cái nghèo, cái khó cứ thế bám riết lấy chị. Năm 2018, xét trên nhiều tiêu chí, gia đình chị Bàn Thị Nhung vẫn chưa đủ nằm trong diện thoát nghèo. Thế nhưng, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, vợ chồng chị quyết định làm đơn xin thoát nghèo.
Lý do đơn giản, chỉ là "thoát nghèo để còn có động lực mà làm kinh tế". Nói là làm, vợ chồng chị đăng ký được hỗ trợ chăn nuôi lợn đàn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ xã, chị Nhung mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi gà, trồng mía, đến nay đời sống gia đình chị dần khấm khá.
Gia đình chị Nhung chỉ là 1 trong 44 hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo của xã Đồn Đạc năm 2018 (địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện).
Có thể nói, 44 lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo ấy chính là 44 tấm gương sáng lan tỏa trong toàn huyện Ba Chẽ, phá vỡ sức ì không muốn thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và các tổ chức xã hội nhiều năm nay của người dân.
Cùng ở xã Đồn Đạc, gia đình anh Triệu Kim Phát (thôn Tàu Tiên) là một trong những hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo của huyện Ba Chẽ trong năm 2018. Trước đây cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, thu nhập bấp bênh do 2 vợ chồng anh không có việc làm ổn định.
"Đủ ăn đã khó, nói gì tới việc thoát nghèo". Trăn trở làm cách nào để ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình luôn thường trực trong suy nghĩ của anh Phát.
Cách mà anh Phát lựa chọn chính là phát huy sức trẻ, tận dụng tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Với số ruộng đất ít ỏi mà bố mẹ để lại, vợ chồng anh Phát đã đưa giống lúa mới có năng suất cao vào gieo cấy, đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình.
Còn trên diện tích hơn 4ha đất lâm nghiệp được giao, anh bắt tay vào trồng quế. Nhờ chịu khó chăm sóc, đến nay rừng quế của anh sinh trưởng và phát triển tốt.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy cây trà hoa vàng cho thu nhập cao, gia đình anh quyết định trồng và dày công chăm sóc. Đến nay, vườn trà hoa vàng của anh đã xanh tốt, nhiều cây đã đơm bông, mang lại thu nhập ổn định.
Giữa tháng 7/2018, lần đầu tiên xã Thanh Lâm tiếp nhận 10 lá đơn xin thoát khỏi diện nghèo (5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo). Tuy rằng con số này chưa phải là nhiều so với thực tế, nhưng những lá đơn đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, khẳng định ý chí thoát nghèo của một bộ phận bà con nơi đây.
Anh Phùn Văn Long (thôn Đồng Thầm) là 1 trong số 10 hộ vừa viết đơn tự nguyện thoát khỏi diện nghèo ở xã Thanh Lâm.
Anh Long chia sẻ: "4 năm qua, cái nghèo đeo bám, khiến cuộc sống gia đình tôi luôn trong cảnh thiếu thốn đủ thứ. Trước đây, cũng có thời gian chúng tôi rất sợ thoát nghèo vì những khoản trợ cấp sẽ không còn. Nhưng bây giờ, gia đình tôi đã nhận ra những điều kiện, cơ hội thoát nghèo thành công. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vốn đầu tư phát triển mô hình trồng keo để tăng thu nhập".
Còn tại xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), tìm hiểu được biết, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã luôn chú trọng việc tổ chức các chương trình truyền thông về định hướng giảm nghèo bền vững, tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo...
Trước tiên là giải thích cho bà con hiểu rõ những chủ trương, chính sách hỗ trợ mà địa phương đang triển khai; giải thích cho người dân về những thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện sản xuất, thủy lợi, nước sinh hoạt... đã được quan tâm đầu tư. Nhất là củng cố niềm tin của bà con vào sự đồng hành, cùng vào cuộc của các ngành, các cấp, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Xã cũng thường xuyên họp bàn, lấy ý kiến từ người dân và thống nhất cách làm sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, nhu cầu, nguyện vọng của các hộ dân.
Đơn cử như khi tiến hành xây dựng vườn kiểu mẫu, các hộ dân tham gia được hỗ trợ tham quan học hỏi các mô hình tiêu biểu; được hướng dẫn, tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phát triển các loại cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương với mẫu thiết kế quy hoạch vườn riêng.
Câu chuyện 104 hộ dân của 6 xã vùng cao viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo hay việc toàn huyện giảm từ 1.700 hộ nghèo xuống còn 47 hộ nghèo sau 5 năm (2016 -2020)... là minh chứng cho hiệu quả việc nhân lên ý chí tự lực, chủ động thoát nghèo ở huyện vùng cao Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.