Huyện nông thôn mới Cần Giờ thay da đổi thịt

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 04/10/2022 08:36 AM (GMT+7)
Huyện Cần Giờ đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Bình luận 0

Sự thay đổi ngoạn mục

Về Cần Giờ những ngày đầu tháng 10 sẽ thấy huyện ven biển duy nhất của TP.HCM đã thay da đổi thịt, phát triển vượt bậc so với cách đây 5-10 năm trước. Đường sá trải nhựa thẳng tắp, đi lại dễ dàng, nhà cửa khang trang. Các khu vui chơi giải trí nhiều trẻ con nô đùa, khách du lịch gần xa cũng nô nức tham quan, trải nghiệm.

Theo chính quyền huyện Cần Giờ, bộ mặt của huyện, cuộc sống của người dân đã thay đổi theo hướng ngày càng phát triển hơn nhờ sự chung sức xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay.

Huyện nông thôn mới Cần Giờ thay da đổi thịt - Ảnh 1.

Đường Rừng Sác về huyện nông thôn mới Cần Giờ trải nhựa thẳng tắp, xe buýt chạy thường xuyên. Ảnh: Hồng Phúc

Huyện Cần Giờ xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp nhất TP.HCM. Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, môi trường sinh thái chưa được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Thu nhập dân cư thấp.

Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Cần Giờ đạt 15 triệu đồng/người/năm, còn chênh lệch nhiều so với mức trung bình của thành phố, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm chiếm đến 43,6% hộ dân của huyện.

Kể từ khi cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Cần Giờ đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, tăng từ 1,5 đến 1,9 lần trước khi thực hiện đề án. Năm 2017 đạt 43,78 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2015.

Đến nay, huyện Cần Giờ không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và không còn hộ nghèo thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống.

Kể từ khi thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cần Giờ có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, sản xuất nông nghiệp có bước tiến mới, tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Vươn lên sau dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, kể từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện đã thay đổi rõ rệt, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Sau dịch Covid-19, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, chia sẻ, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội huyện đã phát triển mạnh mẽ, 6/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 10/16 chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao và sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Huyện nông thôn mới Cần Giờ thay da đổi thịt - Ảnh 3.

Sau dịch Covid-19, Cần Giờ thu hút nhiều khách và các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn giúp tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: H.Phúc

Trong đó, ngành nông nghiệp đã phục hồi, phát triển, diện tích đưa vào sản xuất và sản lượng thu hoạch tăng so với cùng kỳ và cao hơn trước khi xảy ra đại dịch; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được duy trì ổn định.

Ở lĩnh vực sản xuất, ngành thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Tổng sản lượng ngành thủy sản 8 tháng năm 2022 đạt hơn 32.000 tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, khai thác thủy hải sản tiếp tục phát triển với 884 phương tiện tàu cá, sản lượng khai thác đạt hơn 13.000 tấn. 

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết nghề nuôi thủy sản trên địa bàn huyện có nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 8 tháng đầu, toàn huyện có hơn 5.300 ha thả nuôi, sản lượng thu hoạch đạt 19.600 tấn, tăng 33,8% so với cùng kỳ.

Huyện nông thôn mới Cần Giờ thay da đổi thịt - Ảnh 5.

Sản xuất tôm tại HTX Cần Giờ Tương Lai, huyện Cần Giờ. Ảnh: H.Phúc

Điểm sáng của ngành nuôi trồng thủy sản là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đến nay huyện đã phát triển 250ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tăng 70ha so với năm 2021, năng suất bình quân khoảng 35 tấn/ha/năm, cao gấp 5 lần so với mô hình nuôi thâm canh truyền thống, giá bán tăng hơn 35% đã đóng góp mạnh mẽ vào sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Đến nay, có 3 sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; 12 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao như khô cá dứa, tổ yến, tôm thẻ chân trắng, mật dừa nước… và huyện đã đề xuất thêm 6 sản phẩm để được công nhận OCOP 4 sao.

Hiện huyện Cần Giờ đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem