Nuôi thành công cá xiêm Thái, ông nông dân xã nông thôn mới mỗi ngày thu lợi cả triệu đồng

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 14/09/2022 06:30 AM (GMT+7)
Với diện tích nuôi cá xiêm Thái nhỏ hẹp tại nhà, mỗi ngày, ông Đỗ Văn Thảo ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) xuất bán khoảng 300 con cá, thu về lợi nhuận hơn 1 triệu đồng.
Bình luận 0

Bén duyên nghề nuôi cá xiêm Thái

Ông Đỗ Văn Thảo từng có thời gian công tác tại Hội Nông dân xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Qua tìm hiểu các mô hình, ông Thảo nhận thấy nuôi cá cảnh, nhất là cá xiêm Thái có hiệu quả kinh tế cao. "Mô hình này phù hợp với điều kiện diện tích sản xuất nhỏ hẹp lại không tốn nhiều công chăm sóc", ông Thảo nói.

Ông Đỗ Văn Thảo (trái) giới thiệu mô hình nuôi cá xiêm Thái của mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đỗ Văn Thảo (trái) giới thiệu mô hình nuôi cá xiêm Thái của mình. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Thảo thực hiện mô hình nuôi cá xiêm Thái ngay tại nhà mình, trên diện tích 350 m2. Ông Thảo cho biết quá trình nuôi và chăm sóc cá xiêm không quá phức tạp. Một con cá xiêm nuôi từ 3-4 tuần thì có thể xuất bán.

Hiện nay, mỗi con cá xiêm đang được ông bán ra với giá 8.000 đồng/con. Chi phí thức ăn và công chăm sóc chiếm khoảng 1/3 trong giá bán cá thành phẩm.

Sau khi trừ chi phí, ông còn lời 4.000-5.000 đồng/con. Mỗi ngày, ông Thảo xuất bán từ 300 con sẽ thu về 1,6 triệu đồng; lợi nhuận đạt từ 1-1,2 triệu đồng/ngày.

Với quy mô chăn nuôi hiện tại, mỗi năm ông Thảo xuất bán 50.000-60.000 con cá xiêm Thái, thu lợi nhuận từ 300-320 triệu đồng/năm.

Ông Thảo đánh giá, nuôi cá xiêm Thái là nghề khá không cực công. Hiện nay, giá trị của con con cá xiêm tuy không còn cao như nhiều năm trước nhưng nghề chăn nuôi cá cảnh vẫn còn nhiều tiềm năng.

img
img

Ông Thảo tận dụng mọi diện tích trống trong nhà để nuôi cá xiêm Thái. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Nông dân TP.HCM có diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp đều có thể chuyển sang nuôi cá xiêm Thái, với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn", ông Thảo nói.

Từ mô hình của mình, ông Thảo đang chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nuôi cá kiểng cho các hộ thành viên khác và vận động hội viên tham gia tổ hợp tác nuôi cá xiêm Thái ở địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Phát triển nghề nuôi cá cảnh ở đô thị

Theo Chi cục thủy sản TP.HCM, phong trào nuôi chơi và sản xuất cá cảnh hiện nay đang phát triển mạnh mẽ ở TP.HCM.  

Trong những năm gần đây, nghề sản xuất, ương nuôi, kinh doanh cá cảnh có xu hướng phát triển mạnh theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, và đô thị hóa.

Năm 2003, TP.HCM có khoảng 150 cơ sở sản xuất cá cảnh, đến năm 2022 đã phát triển khoảng 300 cơ sở, tăng gấp 2 lần.

Trước đây khu vực sản xuất cá cảnh tập trung ở các quận 8, quận 12... Hiện nay, do ảnh hưởng của đô thị hóa nên các cơ sở sản xuất cá cảnh có xu hướng phát triển tập trung ở các huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Củ Chi.   

img
img

Hội Nông dân TP.HCM tham quan mô hình nuôi cá xiêm Thái của ông Thảo ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Võ Thị Mộng Thu - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, cá cảnh đang trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận cao. Nghề nuôi cá cảnh tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động, cho phép sử dụng hiệu quả đất đai, thu hút nguồn vốn đa dạng trong nhân dân.

TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang các mô hình hiệu quả hơn, trong đó có nghề nuôi cá cảnh.

Theo Quyết định số 4310 năm 2021 của UBND TP.HCM về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, Thành phố phấn đấu đạt sản lượng cá cảnh sản xuất 300 triệu con.

TP.HCM đã đề ra giải pháp tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, làng nghề, HTX cá cảnh trên các địa bàn trọng điểm, để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh.

TP.HCM cũng sẽ tổ chức liên kết, ký kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các doanh nghiệp và hộ nông dân, trang trại; vận động chuyển đổi các trang trại có quy mô lớn thành doanh nghiệp, để có điều kiện phát triển hơn.

Theo Nghị định số 83 năm 2018 của Chính phủ, UBND TP.HCM sẽ thực hiện hỗ trợ ban đầu về giống cá cảnh cho các cơ sở, hộ nuôi phát triển mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khác sang nuôi cá cảnh. Mức hộ trợ là 50% về giống và 50% về thức ăn, bà Thu cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem