Huyện nông thôn mới TP.HCM tăng tốc làm du lịch sinh thái

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 13/06/2022 18:21 PM (GMT+7)
Du lịch sinh thái, miệt vườn tại các huyện nông thôn mới đang nổi lên trên bảng đồ du lịch TP.HCM. Vườn trái cây, rừng ngập mặn và các làng nghề đang được làm mới để thu hút khách.
Bình luận 0

Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Cách trung tâm thành phố không xa, khí hậu trong lành, nhiều làng nghề để tham quan, trải nghiệm là thế mạnh của các huyện khi "xắn tay" đẩy mạnh du lịch sinh thái.

Hái trái cây, rau choại, đi rừng

Gia đình chị Nguyễn Thúy Hòa (ngụ TP.Thủ Đức) vừa trở về sau chuyến tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ. Ở TP.HCM mấy chục năm qua nhưng đây là lần đầu tiên chị đến Cần Giờ, tham quan rừng Sác, đảo Khỉ, dùng hải sản tại biển 30/4. Chị cho biết các bé trong gia đình rất thích và sẽ quay lại vì còn một số địa điểm chưa tham quan.

Huyện nông thôn mới TP.HCM tăng tốc làm du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Du lịch sinh thái gắn với rừng ngập mặn là một trong những thế mạnh của huyện Cần Giờ. Ảnh: H.Phúc

"Khí hậu ở Cần Giờ rất trong lành. Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển nên rất phù hợp tham quan, dã ngoại, thậm chí nghỉ dưỡng. Rời thành phố nhộn nhịp, khói bụi thì đây là nơi rất đáng đi. Vừa qua phà Bình Khánh, rừng đước hai bên đường đã khiến tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu", chị Hòa nói.

Rừng Sác, đảo Khỉ là những điểm đến quen thuộc tại Cần Giờ. Hiện khách đến đây, còn được trải nghiệm những hoạt động mới lạ và độc đáo đang "sốt" đối với ngành du lịch như chèo SUP (thuyền đứng), trekking (đi bộ) trong rừng.

Trong khi đó, ở phía cửa ngõ Tây Nam, huyện Bình Chánh lần đầu tiên có sản phẩm du lịch "Bình Chánh - Những điều chưa kể". 

Các điểm tham quan của huyện có Khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò, khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chùa Phật cô đơn, làng nghề làm nhang gần 100 năm. Du khách được trải nghiệm đạp xe ngắm rừng Lê Minh Xuân, hái đọt choại - một loại rau rừng dân dã, nổi tiếng tại huyện Bình Chánh.

Huyện nông thôn mới TP.HCM tăng tốc làm du lịch sinh thái - Ảnh 2.

Làng nghề làm nhang tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đang được xây dựng thành một điểm du lịch hút khách trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: H.Phúc

Huyện Củ Chi mới đưa vào khai thác sản phẩm du lịch "Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình". Hành trình khám phá bắt đầu từ Đền Bến Dược, đến vườn trái cây Trung An. Du khách có thể chạy xe đạp hoặc đi xe ngựa quanh khu vực vườn trái cây, thưởng thức măng cụt, chôm chôm, ẩm thực ngon lạ đặc sắc của Củ Chi như rau mốp, thịt bò, đậu phộng, bánh tráng.

Tại Củ Chi, khách có thể tham quan quy trình sản xuất bột và thưởng thức bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, tham quan, nghe giới thiệu mô hình nông nghiệp sản xuất hoa, cây cảnh theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap kết hợp với tham quan du lịch ở các xã Bình Mỹ, Hòa Phú, Trung An, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây.

Tăng thu nhập cho nông dân từ du lịch sinh thái

Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch, điểm du lịch đặc trưng để thu hút du khách theo chương trình "Mỗi quận, huyện phát triển ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng" của UBND TP.HCM. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng, từ trước đến nay, du khách và người dân đã quen với những điểm đến ở khu vực trung tâm. Thông thường, khi đi làm việc, kết nối với các địa phương, TP.HCM cũng mời du khách đến tham quan và khám phá thành phố. Theo bà Thắng, để có những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm độc đáo, khác biệt, trong tiềm ẩn của mỗi quận, huyện.

"Khởi đầu, các quận huyện sẽ giới thiệu những điểm đến mới, hấp dẫn để doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, đón khách. Đây là những tour ngắn ngày, thay đổi liên tục để du khách tới TP không chỉ có những khu vực trung tâm mà thêm nhiều loại hình mới, trải nghiệm mới", bà Phan Thị Thắng nói.

Huyện nông thôn mới TP.HCM tăng tốc làm du lịch sinh thái - Ảnh 3.

Du khách tham quan tại một điểm du lịch sinh thái ở huyện Củ Chi với nhiều hoạt động gắn với nông nghiệp, làm vườn. Ảnh: H.Phúc

So với các quận nội thành, 5 huyện nông thôn mới có nhiều điểm khác biệt,  đặc trưng riêng để thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết với tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện là tiền đề để huyện thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch sinh thái. Phát triển du lịch không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập và mức sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ông Lê Đình Đức,  thế mạnh của huyện Củ Chi là du lịch nông nghiệp như tham quan vườn trái cây, trải nghiệm nghề làm vườn, thưởng lãm ven sông Sài Gòn. Du khách được trải nghiệm thực tế đời sống nông thôn Củ Chi, chính nông dân là người tổ chức du lịch bằng chính sản phẩm do bản thân và gia đình làm ra.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của huyện Củ Chi năm 2022 là khôi phục phát triển ngành du lịch. 

"Huyện sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện", ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem