Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Huyện Thanh Hà là vùng chủ lực trồng vải thiều và cây ăn quả. Thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây ăn quả toàn huyện Thanh Hà là 6.730ha, trong đó diện tích trồng vải khoảng 3.500ha, diện tích trồng ổi gần 1.600ha, diện tích trồng chuối 350ha, trên 200ha trồng bưởi và khoảng 600ha trồng các loại cây ăn quả khác. Với những điểm tựa từ nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là thành công của mô hình trồng cây ăn quả, quá trình xóa đói giảm nghèo ở Thanh Hà đã có những bước tiến vượt bậc.
Thế nhưng ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) đã cướp đi gần như tất cả tài sản của người trồng trọt nơi đây. Nhiều người dân "đỏ mắt" khi không biết sẽ làm gì để sinh sống trong thời gian tới.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Ổn (thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) xót xa khi công sức của hai vợ chồng hàng chục năm qua tàn thành mây khói.
"40 năm qua gia đình sinh sống bằng việc trồng bưởi đào, quất và làm đầm rươi. Riêng trồng bưởi, mỗi vụ gia đình thu về khoảng 60-70 triệu đồng, vụ nào được giá khoảng 80 triệu đồng. Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến ngày thu hoạch, nhưng giờ đây, 01 mẫu bưởi bị gãy đổ, rụng như sung. Ngoài bưởi, gia đình còn mất trắng 1 sào quất. Những gốc bưởi này phải nhổ bỏ, rồi trồng cây giống mới. Phải mất 3 - 4 năm mới có thể thu hoạch. Tới đây, gia đình tôi không biết bấu víu vào đâu".
Chung cảnh ngộ như vợ chồng ông Nguyễn Văn Ổn, người dân Thanh Hà dù chứng kiến diện tích cây ăn trái khô héo, cũng chỉ biết tự an ủi chính mình. Ngoài bưởi, vựa vải, vùng ổi, vùng quất trái vụ, vùng chuối cũng bị xóa sổ sau bão. Hiện người dân đang tập trung thu dọn trên các vườn để không ảnh hưởng đến môi trường đất.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Tăng Bá Bay nghẹn ngào chia sẻ, cơn bão Yagi đã được dự báo từ trước, chính quyền địa phương đã chủ động ứng phó. Song ảnh hưởng của bão lớn, hoàn lưu bão nước từ sông Thái Bình dâng cao, gây ngập lụt tại nhiều khu vực ven sông, tài sản, hoa màu của nhân dân bị ngập úng.
"Chứng kiến tiền của, công sức của người dân tiêu tan, tôi đau xót vô cùng. Chỉ riêng cây ăn quả cũng ước tính thiệt hại đến 1.000 tỷ đồng. Hiện nay khó khăn nhất là sau khi bị ngập, bùn đất đổ vào ruộng vườn của người dân, để tái tạo diện tích cũng phải mất 1-2 tháng. Sau khi trồng mới thì phải một vài năm nữa các cây mới cho trái. Những tháng ngày tới đây, người nông dân sẽ duy trì cuộc sống ra sao.Tôi hy vọng bà con cố gắng, sớm ổn định cuộc sống".
Theo ước tính sơ bộ, cơn bão này đã khiến Hải Dương tổn thất khoảng 17.000 ha lúa, rau màu; 65.000 ha nhà, màng nhà lưới; 56 ha nuôi thủy sản; hơn 400 lồng bè nuôi cá của người dân…
Trước đó, ngay sau khi bão số 3 đi qua, huyện Thanh Hà đã tích cực chỉ đạo lực lượng chức năng kết hợp cùng chính quyền xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thiệt hại và khẩn trương khắc phục thiệt hại.
Trước tình hình nước trên sông Thái Bình dâng cao, nguy cơ xảy ra sạt lở, tràn, vỡ đê, ngay hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương có mặt tại 4 xã khu Hà Đông (Thanh Hà, Hải Dương) để hộ đê, gia cố những địa điểm xung yếu, góp phần ổn định tình hình tại địa phương, bảo vệ an toàn cho nhân dân 4 xã khu Hà Đông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.