Con trai một trạng nguyên quê Hải Dương đi sứ nhà Minh, "mắc kẹt" mấy năm mà nói làu làu tiếng Bắc Kinh?

Thứ bảy, ngày 22/06/2024 05:31 AM (GMT+7)
Dưới thời nhà Mạc, một vị Hoàng giáp người đất học làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), được ví là 'Tô Vũ nước Nam' khi có chuyến đi sứ nhà Minh kéo dài tới 18 năm. Hoàng giáp Lê Quang Bí, con trai Trạng nguyên Lê Nại sau mười mấy năm ở bên ấy đã nói làu thông tiếng Bắc Kinh.
Bình luận 0

 Dòng dõi Trạng nguyên

Ông là Hoàng giáp Lê Quang Bí, sinh năm 1506, tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai, là con Trạng nguyên Lê Nại, cháu gọi Hoàng giáp Lê Tư là chú ruột, cháu ngoại Hoàng giáp Vũ Quỳnh, chắt nội trung thần Lê Cảnh Tuân thời nhà Trần.

Dòng họ Lê làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), từ xưa được đánh giá là tấm gương tiết nghĩa phát xuất từ bốn cha con Tiến sĩ Lê Cảnh Tuân, Lê Thái Điệp, Lê Thiếu Dĩnh, Lê Thúc Hiền.

Theo “Lê thị gia phả sự tích ký”, thủy tổ của dòng họ là Lê Hữu Huy, quê ở Lão Lạt, huyện Thuần Lộc, Ái Châu (Thanh Hóa). Con của cụ là Lê Như Du lấy vợ người làng Mộ Trạch, di dời về quê vợ sinh sống.Cụ Lê Như Du sinh ra Lê Cảnh Tuân đỗ Thái học sinh khoa Tân Dậu (năm 1381) triều Trần Phế Đế. 

Có tài liệu cho rằng Lê Cảnh Tuân đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn (năm 1400) triều Hồ cùng với Nguyễn Trãi.Từ đời Lê Thúc Hiền trở đi, con cháu phát triển đông đúc, hình thành nên nhiều ngành thứ của dòng họ, trong đó có nhiều người thành đạt về khoa cử và quan trường như Trạng nguyên Lê Nại, Hoàng giáp Lê Tư, Hoàng giáp Lê Quang Bí...

Năm 27 tuổi, cha của Lê Quang Bí đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) trong khoa thi lấy đỗ 55 tiến sĩ ở khoa thi Ất Sửu (1505) đời vua Lê Uy Mục. 

Đặc biệt là cha ông thi cả năm trường đều đỗ thủ khoa, làm đến chức Hữu thị lang bộ Hộ. Khi cha ông mất còn được truy tặng tước Đạo Trạch bá.

Con trai một trạng nguyên quê Hải Dương đi sứ nhà Minh, "mắc kẹt" mấy năm mà nói làu làu tiếng Bắc Kinh?- Ảnh 1.

Đình làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương - quê hương Hoàng giáp Lê Quang Bí. Ông là  con trai Trạng nguyên Lê Nại.

Theo gia phả dòng họ, lên 5 tuổi Lê Quang Bí đã có tiếng hiếu học, được người đương thời gọi là thần đồng. Lại sinh ra trong một dòng họ khoa bảng nên không chỉ kinh sách, mà ngay cả những đạo lý làm người – làm quan đã thấm nhuần trong Lê Quang Bí như một chân lý, phép tắc.

Năm Bính Tuất (1526), khi ấy 21 tuổi, Lê Quang Bí tham gia ứng thí. Đề bài thi Đình là một bài văn sách hỏi về các bậc thánh nhân trị thiên hạ. Khoa thi này lấy đỗ 20 người. Lê Quang Bí đã đỗ Hoàng giáp, đứng thứ tư.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Khoa thi Hội năm Thống Nguyên thứ 5 (đời Lê Cung Hoàng, 1526), lấy đỗ 20 người, ba người đỗ đầu (Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ) là Trần Văn Vân (Tất Văn), Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn. Nhóm Lê Quang Bí bốn người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).

Cũng năm đó, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê. Vua Lê Cung Hoàng và Thái hậu đều tự tử. Mạc Đăng Dung sai người sang sứ nhà Minh báo rằng con cháu nhà Lê không còn ai, đại thần họ Mạc tạm quyền trông coi việc nước, cai trị dân chúng.

Vua Minh Thế Tông không tin, sai sứ sang dò la tin tức. Họ Mạc tìm cách đút lót sứ giả, rồi làm hai hình người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ vật lạ tiến cúng, vua Minh mới đồng ý. Từ đó, hai nước lại thông sứ đi lại.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1528 Lê Quang Bí được ban tước Tô Xuyên hầu. Ông trải qua các chức Hàn lâm viện hiệu lý, kiêm tư vấn làm ở viện 9 năm, rồi được bổ làm Sơn Tây hiến sát sứ, sau đó thăng Tuyên Quang đạo Thừa ty tham chính, Ngự sử đài, thiêm đô ngự sử, kiêm thời Tư trung doãn Tả thị lang Lại bộ.

Con trai một trạng nguyên quê Hải Dương đi sứ nhà Minh, "mắc kẹt" mấy năm mà nói làu làu tiếng Bắc Kinh?- Ảnh 2.

Hành động 18 năm chịu đựng không làm nhục quốc thể của Hoàng giáp Lê Quang Bí đáng ghi danh gương tiết tháo thời nhà Mạc.

“Tô Vũ nước Nam”

Tháng Giêng năm 1546, vua Mạc Hiến Tông (Phúc Hải) chết, Mạc Phúc Nguyên lên ngôi vua, tức Mạc Tuyên Tông, sai Lê Quang Bí sang nước Minh cống hàng năm. Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn chép rằng: “Khi sứ đoàn đến Nam Ninh, triều Minh ngờ là quan giả mạo, bắt phải chờ để tra xét minh bạch đã, mới cho dâng lễ phẩm.

Thế rồi gửi văn thư đi tra xét, nhưng chẳng có hồi âm, Quang Bí cứ phải lưu tại sứ quán chờ mệnh lệnh của vua Mạc Phúc Nguyên, trong khi trong nước nhiều nạn (do nhà Mạc đánh nhau với vua Lê - chúa Trịnh), bỏ khiếm khuyết việc cống hiến đã mấy năm liền, nên vua cũng không dám tâu xin”.

Trong tình thế ấy, sứ thần Lê Quang Bí cứ phải ăn dầm ở dề tại quán dịch Nam Kinh, đi không được mà về cũng không xong. Đến năm Quý Hợi, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 42 (1563), quan quân Lưỡng Quảng nhà Minh mới sai người đưa Lê Quang Bí tới Bắc Kinh. Lúc đó, Mạc Phúc Nguyên cũng sai hầu mệnh gửi cho Lê Quang Bí 25 lạng bạc để thưởng lạo.

Tuy nhiên, khi Quang Bí tới kinh đô, lại bị lưu ở sứ quán đến 3 năm ròng rã. Lúc ông đi sứ là vào năm Gia Tĩnh đời vua Thế Tông nhà Minh, nhưng lúc này thì đã sang năm Long Khánh đời vua Mục Tông mà ông vẫn long đong nơi đất Bắc...

Thường các sứ thần ta, tuy chữ Hán rất giỏi nhưng lại ít giao tiếp. Vì thế, thông thường khi đàm đạo với người Hán phải dùng cách bút đàm, nếu không có người phiên dịch. Nhưng Lê Quang Bí sau mười mấy năm ở bên ấy đã nói làu thông tiếng Bắc Kinh.

Ông có dịp làm quen, giao du với nhiều danh sĩ Trung Hoa. Vị đại học sĩ Lí Xuân Phương rất kính trọng sự hiểu biết và nhất là lòng trung trinh của ông với vua nước Việt nên đã tâu sự việc lên vua Minh để sứ An Nam được vào dâng cống phẩm sau 18 năm chờ đợi.

Chính vì chuyến đi sứ có thời gian dài hiếm có nên người phương Bắc lúc ấy ví ông như Tô Vũ - sứ thần thời Hán Vũ Đế. Tô Vũ vâng mệnh Hán Vũ Đế đi sứ Hung Nô bị quý quốc láng giềng đày đọa bắt chăn dê 19 năm ở ven hồ Bai Can quanh năm không bóng người, phải đào hang bắt chuột, bới rễ cây để ăn với lời đe dọa của Thiền Vu Hung Nô: “Bao giờ dê đực đẻ con thì nhà ngươi mới được về Hán”.

Nghe những lời đe nẹt vô lý nhưng Tô Vũ chẳng hề lung lay ý chí giữ nguyên tiết tháo, quyết không làm nhục mệnh vua, trung trinh với cố quốc. 19 năm của Tô Vũ và 18 năm của Lê Quang Bí, trong lịch sử có lẽ khó có gương thứ 3. Nhờ có quốc sỉ, có triết lý làm quan tận trung, làm người tận hiếu mà Lê Quang Bí lẫn Tô Vũ tránh được nỗi quốc nhục.

Khi đi xanh tóc, khi về bạc râu

Con trai một trạng nguyên quê Hải Dương đi sứ nhà Minh, "mắc kẹt" mấy năm mà nói làu làu tiếng Bắc Kinh?- Ảnh 3.

Tấm bia cổ 'Tô quận công thần đạo bi minh' kể sự tích họ Lê và tiểu sử của Lê Quang Bí.

Hoàng giáp Lê Quang Bí lúc rời nước đi sứ 41 tuổi, tóc hãy còn xanh, khi trở về tuổi đã gần 60, tóc đã bạc. Ông là vị sứ thần có chuyến đi sứ lâu nhất trong lịch sử nước Nam.

Sách “Hoa Việt thông sử lược” của hai tác giả Sông Bằng và Vân Hạc kể lại giai thoại khi Lê Quang Bí bị giữ ở Nam Ninh, ông vẫn điềm tĩnh không hề sợ hãi. Những ngày trời nắng, ông lại nằm phơi bụng ra ngoài trời. Người Minh hỏi thì ông vỗ bụng nói: “Tôi phơi sách trong này cho khỏi mốc”.

Người Minh bắt đọc cả bộ Đại học, ông đọc suốt một lượt không sai chữ nào. Triều thần Trung Quốc nể phục xin vua Minh cho Lê Quang Bí ra ngụ tại khách quán. 

Tài học của Lê Quang Bí từ đó lừng lẫy khắp kinh đô Trung Quốc. Mộ tài ông, một học trò người Minh tên là Đặng Hồng Chấn (“Hoa Việt bang giao sử” ghi là Đặng Hồng Thần) đã đỗ Cử nhân, xin theo làm học trò.

Đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1559), Đặng Hồng Chấn đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện ở hạt Quảng Đông rồi thăng lên làm Chủ sự ở Yên Kinh. Theo sách này, Đặng Hồng Chấn đã dâng sớ kể sự tình của thầy, góp phần giúp Lê Quang Bí được vua Minh cho về nước.

Trong thời gian bị giữ, Lê Quang Bí có sáng tác các tập thơ “Tô Công phụng sứ” gồm 24 bài thơ Đường luật, thuật lại chuyện Tô Vũ đời nhà Hán đi sứ sang Hung Nô để gửi gắm tâm sự của mình.

Trong đó có những câu: Khôn lấy mồi thơm dỗ tiết ngay/Cho nên lưu lạc nước non này/ Bốn mùa đắp đổi kho trăng gió/ Một áng thừa lưa lộc tháng ngày/Chẳng những lòng vàng trên bể Bắc/Đã nguyên đầu bạc dưới đền Tây/Tấc niềm bộc bạch hàng thơ lụa/Phó mặc bên trời chiếc nhạn bay.

Ngoài ra, ông còn một tập thơ khác, gồm một số bài thơ trong cuốn “Tư lương vận lục”, viết theo đề tài lịch sử và hoài cổ, trong đó có những bài ca ngợi các vị tổ tiên là Lê Cảnh Tuân và Vũ Quỳnh với lời lẽ rất lâm ly.

Chuyến về nước của Lê Quang Bí cũng lắm sự ly kỳ. Vua Mạc phải cử Thái bảo Thượng thư Giáp Hải lên tận Lạng Sơn đón sứ về. Trong sách “Đại Nam quốc sử diễn ca” có những câu chứng tỏ chi tiết này: “Thuần Phúc sai Thượng thư Giáp Hải/ Đi lên miền biên giới Lạng Sơn/ Đón Lê Quang Bí sứ thần/ Phải đi mười tám năm tròn tới nay”.

Lúc Lê Quang Bí đi sứ là vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, lúc về đã sang đời vua Mạc Mậu Hợp. Lê Quý Đôn về sau có viết lời cảm khái về ông: “Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ phơ!”.

Sau khi về nước, Lê Quang Bí được vua Mạc Hậu Hợp phong cho chức Thượng thư bộ Lại. Theo “Đại Việt thông sử”, thấy chuyện đi sứ của ông giống hệt Tô Vũ, vua Mạc phong cho tước Tô quận công. Tài liệu ở làng quê ông cho biết trước khi đi sứ, Lê Quang Bí mới chỉ có một con gái. Sau khi về nước, tuổi đã già, ông không có thêm con.

Hiện nay, giới sử học chưa rõ Hoàng giáp Lê Quang Bí mất năm nào. Tuy nhiên tại nhà thờ họ Lê làng Mộ Trạch có văn bia ghi công Lê Quang Bí, do Bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1578, điều này khẳng định ông mất trước năm 1578.

Trong tập “Tô công phụng sứ” của Lê Quang Bí tại Trung Quốc vẫn còn lưu bài thơ “Bắc Hải chăn dê”: Cờ sứ vững cầm một cán không/Mười thu nghìn dặm, tiết cô trung/Đất Hồ, sương tuyết gầy mình hạc/Đền Hán, ngày đêm nhớ mặt Rồng/Bể Bắc ngày chầy dê chưa đẻ/Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không/Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá/Bia tạc muôn đời tượng tướng côn


Trần Siêu (Báo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem