Huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới: Sức mạnh của giá trị lịch sử, đoàn kết, đổi mới
Huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới: Sức mạnh của giá trị lịch sử, đoàn kết, đổi mới
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 14/11/2024 11:28 AM (GMT+7)
Có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng sự đoàn kết, biết vận dụng, phát huy giá trị lịch sử kết hợp với đổi mới, sáng tạo trong tư duy, cách làm, huyện Triệu Phong đã phát triển về mọi mặt, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Những ngày giữa tháng 11, người dân huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vui mừng, hồi hộp chờ đợi buổi lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong Trần Xuân Anh cho biết, huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới là kết tinh của phát huy giá trị lịch sử, đoàn kết, tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Minh Kha Hữu Thái.
Để hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Anh – Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong.
Ông Trần Xuân Anh cho biết, Triệu Phong là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời trong tiến trình khai mở về phương Nam của các thế hệ người Việt. Tên Triệu Phong có nghĩa là một sự khởi đầu thịnh vượng, tốt đẹp.
Dưới thời các chúa Nguyễn 1558 - 1626, Ái Tử - Trà Bát - Dinh Cát được chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm nơi đặt lỵ sở, thủ phủ cai quản toàn bộ 2 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Cũng từ đây, các đợt di dân từ phía Bắc vào lập làng tại vùng đất mới diễn ra mạnh mẽ, đã tạo ra cho vùng đất này nhiều giá trị, trầm tích văn hóa tiêu biểu, hình thành nên phẩm chất, cốt cách tốt đẹp.
Người Triệu Phong với bản lĩnh và đức tính kiên cường, dũng cảm, cần cù, nhân hậu, thủy chung, chịu thương chịu khó; bộc trực, thẳng thắn nhưng lại hiền lành, chất phác, lạc quan, biết mình, biết người, ham học hỏi, trọng nhân nghĩa, quý hiền tài. Những đức tính ấy được bồi đắp, giữ gìn qua thời gian, tạo thành mạch nguồn xuyên suốt, chảy mãi trong mỗi con người Triệu Phong.
Một góc làng quê ở huyện Triệu Phong xanh, sạch, đẹp. Huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới và sẽ tiếp tục phấn đấu để giữ vững thành tích, nâng cao chất lượng. Ảnh: Hồng Lĩnh.
Huyện Triệu Phong tự hào là mảnh đất sản sinh cho dân tộc Việt Nam nhiều anh hùng, chí sĩ yêu nước, trí thức, lãnh đạo cách mạng kiệt xuất như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Trần Quỳnh, Đại tướng Đoàn Khuê…
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ở Triệu Phong đã sớm ra đời những tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị lâm thời vào ngày 21/4/1930.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mảnh đất Triệu Phong luôn là chiến trường trực tiếp đụng đầu với quân địch. Bằng ý chí sắt đá, vượt qua hy sinh, gian khổ, quân và dân Triệu Phong đã chiến đấu anh dũng, làm nên những thắng lợi to lớn, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Hoà bình lập lại, được sự hỗ trợ của các cấp, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong đã đồng lòng đồng sức, nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Huyện Triệu Phong đi đầu trong khai hoang, phục hóa, rà phá bom mìn, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhân dân. Trong đó, đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn xây dựng năm 1978, hoàn thành năm 1981 được cả nước biết đến.
Đoàn kết xây dựng nông thôn mới
Bí thư Huyện uỷ Trần Xuân Anh cho biết, huyện Triệu Phong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát rất thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, kết cấu hạ tầng dân sinh vừa thiếu, vừa yếu; công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển chậm; công tác quy hoạch còn bất cập, lúng túng. Đặc biệt, hộ nghèo của huyện Triệu Phong chiếm 23,1%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm; bình quân chung các xã chỉ đạt 4,6 tiêu chí nông thôn mới.
Một trong những phong trào được lan toả rộng khắp huyện Triệu Phong là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ phong trào này, nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả đã được hình thành, giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân. Ảnh: Cảnh Thu.
Không chùn bước trước khó khăn, Đảng bộ, quân và dân huyện Triệu Phong đã lên kế hoạch và từng bước thực hiện một cách cụ thể, theo phương châm "vững như kiềng 3 chân".
Triệu Phong xác định kiềng 3 chân gồm, Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị đóng vai trò dẫn dắt; người dân giữ vai trò trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là động lực, mục tiêu xây dựng; các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân là nguồn hỗ trợ, động viên to lớn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm triển khai kiên trì, liên tục, với nhiều phong trào, cuộc vận động được phát động rộng khắp, nhiều cách làm hay, sáng tạo ở nhiều địa phương, Triệu Phong đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.
Trong đó, Triệu Phong đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế vùng gò đồi, ven biển. Sản xuất nông nghiệp gắn với công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất. Từ vùng đất khô cằn, hoang vu, Triệu Phong hôm nay đã hình thành những cánh đồng trù phú, tốt tươi.
Không chỉ có cuộc sống ấm no, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các hội, đoàn thể, trong đó có Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong đã sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa canh tác tự nhiên, lúa hữu cơ, cây ăn quả, nhiều mặt hàng chế biến từ nông sản đạt chứng nhận OCOP; mô hình chăn nuôi công nghệ cao, có liên kết; nuôi tôm thẻ theo quy trình tuần hoàn nước;… Những sản phẩm chất lượng cao này hướng đến nhu cầu ăn ngon, ăn sạch của thị trường.
Các cụm, điểm công nghiệp, kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,5 triệu đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2011, hộ nghèo giảm xuống còn 3,3%.
Giá trị lịch sử, đoàn kết và đổi mới
Bí thư Huyện uỷ Triệu Phong Trần Xuân Anh cho biết, dấu ấn đậm nét trong xây dựng nông thôn mới của huyện là phát huy giá trị lịch sử, huy động sức mạnh đoàn kết, nội lực của nhân dân và tranh thủ các nguồn lực.
Người dân huyện Triệu Phong tích cực vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm đẹp quê hương. Ảnh: M.T
Trong hơn 10 năm, toàn huyện đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp lắp đặt 325km đường điện chiếu sáng; hiến hơn 100.000 m2 đất, hàng trăm ngàn ngày công và huy động được hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 129 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Nhờ đó, huyện Triệu Phong đã hoàn thành 100% các tiêu chí huyện nông thôn mới.
"Kết quả đạt được hôm nay là kết tinh trí tuệ, sự dày công vun đắp của bao thế hệ người Triệu Phong, tô thắm hơn truyền thống tốt đẹp của quê hương, là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng cho huyện phát triển trong thời gian tới" – Bí thư Huyện uỷ Trần Xuân Anh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Kết quả đạt được của huyện Triệu Phong trong xây dựng nông thôn mới là bước đầu, tạo nền tảng quan trọng để lan tỏa năng lượng tích cực, giá trị cốt lõi về mảnh đất và con người Triệu Phong giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.
Ông Đồng nhấn mạnh, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, huyện Triệu Phong cần tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, đoàn kết, vượt khó, giữ vững thành quả đã đạt được, phấn đấu xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.