Huyết thanh kháng Ebola: Không dễ sản xuất đại trà

Mai Dũng - Hạ Anh Thứ sáu, ngày 08/08/2014 06:46 AM (GMT+7)
Thông tin về loại huyết thanh Zmapp có thể giúp kháng virus Ebola lan đi chưa được lâu thì ngày 7.8, CNN dẫn lời giới chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ nhận định, loại huyết thanh được dùng thử nghiệm cho 2 bệnh nhân người Mỹ đầu tiên là bác sĩ Kent Brantly và Nancy Writebol rất khó để sản xuất trên quy mô lớn.
Bình luận 0

Được biết đến dưới cái tên ZMapp, loại huyết thanh gồm 3 kháng thể này được điều chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gene, vốn phải mất nhiều tuần để phát triển.

Ba lọ huyết thanh ZMapp đã được gửi gấp đến Liberia để điều trị cho 2 bác sĩ nhiễm bệnh Ebola khi họ đang thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân tại nước này. Đáng ngạc nhiên, sức khỏe của cả 2 bác sĩ đều cải thiện rõ rệt và hiện đang được điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Atlanta (Georgia).

img Tiến sĩ Kent Brantly (phải) mặc đồ bảo hộ trong khi điều trị một bệnh nhân tại trung tâm quản lý những trường hợp đã xác định nhiễm Ebola trong khuôn viên của Bệnh viện ELWA tại Monrovia, Liberia. 

 

Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cho biết, các dữ liệu thu được từ thử nghiệm ZMapp trên động vật nhiễm Ebola là rất tốt và việc sử dụng loại huyết thanh này ở 2 bệnh nhân trên đã mở ra hy vọng tích cực về khả năng ZMapp có thể kháng virus Ebola. Các bác sĩ thận trọng cho rằng, còn quá sớm để nói về hiệu quả của Zmapp bởi hiện nó đang trong giai đoạn thử nghiệm và nếu thành công thì việc phân bổ rộng rãi ở Tây Phi là điều không dễ dàng.

Ngoài ra, thuốc mới được thử nghiệm chỉ trên 2 bệnh nhân nên lại phải rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc dùng thuốc trong điều trị bệnh.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ loại thuốc hoặc vaccine nào trên thị trường thế giới có thể kháng hiệu quả virus Ebola gây sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, suy hô hấp và gây xuất huyết này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 7.8, đã có 932 trường hợp tử vong do virus Ebola gây nên. Tổng thống thống Nigeria cũng cảnh báo nước này có hơn 30.000 người có nguy cơ mắc virus Ebola. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại về tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn và cảnh báo hiện không có chiến lược tổng thể nào để giải quyết sự bùng phát của dịch Ebola.

Mặc dù WHO “không khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc giao thương với Guinea, Liberia hay Sierra Leone” và Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) cho rằng “virus Ebola vẫn chưa tác động đến hàng không thương mại” nhưng trước lo ngại về sự bùng phát và mức độ nguy hiểm của virus Ebola tại các nước châu Phi, cộng đồng quốc tế đã và đang khẩn trương tiến hành nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.

Nhằm tránh những rủi ro, nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến nghị công dân Việt Nam nếu không có việc gì cần thiết thì tránh đi tới các vùng đang có dịch bệnh.

Ngày 7.8, cơ quan y tế Philippines thông tin, 7 công nhân có biểu hiện những triệu chứng giống nhiễm Ebola. Đây là những người nằm trong nhóm 15 công nhân mới về nước hồi đầu tháng 7 từ Sierra Leone, 1 trong 4 nước châu Phi có số ca mắc Ebola cao nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem