Hy Lạp: Ngôi làng Samarina “treo trên núi” tuyệt đẹp, độc đáo với tuyến đường du mục “sắp biến mất”
Hy Lạp: Ngôi làng Samarina “treo trên núi” tuyệt đẹp, độc đáo với tuyến đường du mục “sắp biến mất”
Chủ nhật, ngày 11/07/2021 07:09 AM (GMT+7)
Tập quán du mục chăn thả đàn gia súc (Transhumance) đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2019. Tại Hy Lạp nó được thực hành bởi các bộ tộc thổ dân như Vlachs và Sarakatsani… tạo thêm nét độc lạ cuốn hút khách du lịch.
Làng Samarina "treo trên núi" ngoạn mục trong tuyết trắng mùa Đông. (Ảnh: vlahofonoi.blogspot)
Samarina - một trong những ngôi làng "treo trên núi" cao nhất
Transhumance (người Hy Lạp gọi là "diava") đã có truyền thống từ hàng thiên niên kỷ trước. Nó được các thế hệ người chăn cừu du mục Vlachs, Sarakatsani cùng những người di cư Albania và Rumani gìn giữ bất chấp áp lực từ công nghiệp hóa nông nghiệp, biến đổi khí hậu và cả đà phát triển du lịch.
Các tuyến đường mòn "diava" tạo nên nét độc đáo về đời sống du mục trên núi cao, rất cuốn hút du khách ưa thích các hành trình mạo hiểm. (Ảnh: itinari)
"Transhumance" ("diava") - Ngôi làng "treo trên núi" được UNESCO mô tả là một trong những cách bền vững và hiệu quả nhất để kiếm sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, vì động vật di chuyển nghĩa là đồng cỏ có thời gian để phục hồi và không bị khai thác quá mức. Còn những người chăn thả gia súc có thể tránh được hạn hán mùa Hè bằng cách di chuyển lên núi cao, nơi tuyết tan và cỏ phát triển.
Mỗi người chăn cừu du mục thường thực hành "diava" theo tuyến đường riêng theo truyền thống gia đình. (Ảnh: Deutsche Welle)
Nhưng số người chăn cừu thực sự duy trì lối sống du mục chăn thả gia súc ở Hy Lạp ngày một ít đi, do truyền thống này mất dần tính phổ biến từ những năm 1960-1970 khi nông nghiệp được cơ giới hóa và công nghệ canh tác mới "lên ngôi". Sự thay đổi đó tiếp tục diễn ra trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng theo đà tăng trưởng kinh tế sau này.
Có lẽ một phần vì thế mà Samarina - Ngôi làng "treo trên núi" là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ những người chăn cừu du mục (được cho là) cuối cùng của Hy Lạp - càng nổi tiếng và hấp dẫn hơn với khách du lịch. Samarina được coi là một trong những ngôi làng cao nhất ở Hy Lạp (và cả vùng Balkan), với dân số chỉ gần 400 người. Cũng vì thế mà ngôi làng được đặt là ngôi làng "treo trên núi"
Dân làng Samarina cởi mở, mến khách và rất tự hào về di sản văn truyền thống của họ. (Ảnh: travels4ever.wordpress)
Làng Samarina vốn là một phần của thị trấn Grevena ở vùng Tây Macedonia, phía bắc Hy Lạp. Làng Samarina cuốn hút du khách bởi nằm ở vị trí đắc địa với những khu rừng thông và sồi tuyệt đẹp bao quanh.
Samarina - Ngôi làng "treo trên núi" với nguy cơ tuyến đường mòn du mục độc lạ "biến mất"
Vào mùa Hè "dân số" của làng Samarina có thể lên tới 5.000 người. Nhưng trong suốt thời gian còn lại của năm, dấu hiệu duy nhất cho thấy có sự sống trong làng là khói bay lên từ rất ít ống khói trên nóc nhà.
Ông Giorgios Anthoulis thường đếm đàn cừu của gia đình khi chúng đi qua cây cầu đá hẹp gần làng trong quá trình di chuyển lên vùng đồng cỏ mùa Đông trên núi. (Ảnh: Deutsche Welle)
Là một trong số rất ít cư dân làng Samarina vẫn gìn giữ truyền thống tổ tiên là du mục chăn thả đàn cừu, bà Eleni và chồng là ông Nasos Tzimas đều đã ở tuổi 80 cho biết: do sức khỏe đã yếu đi nhiều nên năm 2020 có lẽ là lần cuối cùng ông Nasos thực hiện "transhumance" (theo truyền thống gọi là "diava") - điều mà ông luôn thực hiện suốt 52 năm trước.
Ban đêm đàn cừu được quây thành vòng tròn xung quanh đống lửa để giữ ấm và an toàn trước các loài thú săn mồi. (Ảnh: Deutsche Welle)
Hàng năm vào tháng 10 khi nhìn thấy những đợt tuyết rơi đầu tiên trên đỉnh núi Smolikas, cộng đồng du mục Samarina - Ngôi làng "treo trên núi" bắt đầu lùa đàn cừu di chuyển qua chặng đường dài 150km lên khu vực có những đồng cỏ mùa Đông trên núi cao. Tới mùa Hè họ lùa đàn cừu di chuyển ngược lại.
Một niềm tự hào của làng Samarina là nhà thờ Megali Panagia với cây thông mọc một cách bí ẩn trên nóc. (Ảnh: travels4ever.wordpress)
Tuyến đường mòn "diava" quen thuộc do người du mục tạo nên đi qua những vùng phong cảnh đồi núi hoang sơ đẹp lạ. Nhưng nay do truyền thống "diava" đang dần mai một nên những con đường mòn độc đáo đó đang có nguy cơ biến mất.
"Great Dance" (Vũ điệu Vĩ đại, tiếng Hy Lạp gọi là Tranós Chorós) là một nét văn hóa lễ hội truyền thống của dân làng Samarina. Mọi người tạo thành Tsatsos (vòng tròn khiêu vũ khổng lồ) và cùng hát những ca khúc truyền thống. (Ảnh: travels4ever.wordpress)
Ông Giorgios Anthoulis, 74 tuổi, người dân Samarina - Ngôi làng "treo trên núi" đã thực hành "diava" từ khi mới là đứa trẻ vài tháng tuổi được mẹ bế theo, chia sẻ: dù đàn cừu của dân làng Samarina cung cấp ít sữa hơn các giống cừu mới, nhưng sản phẩm sữa tươi, sữa chua và pho mát cừu chăn thả vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì thơm ngon hơn, nhờ cừu ăn cả cỏ và các loại thảo mộc trên núi cao.
Samarina - Ngôi làng "treo trên núi"cũng là một điểm đến tuyệt vời vào mùa Đông vì nó nằm gần khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Vasilitsa. (Ảnh: itinari)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.