Ia Lang đánh bại đói nghèo

Lan Hiăng Thứ ba, ngày 10/05/2016 08:37 AM (GMT+7)
Xuất phát là một xã nghèo, không được chọn làm điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhờ sự đồng thuận của nhân dân và phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực, xã Ia Lang (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã đạt 13/19 tiêu chí, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của một vùng đất cách mạng.
Bình luận 0

Mảnh đất kiên trung

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Gia Lai - Kon Tum có một bức tượng Bác Hồ được tạo tác theo một phong cách rất lạ, khiến khách tham quan không khỏi tò mò. Ít ai biết bức tượng thiêng liêng này là do chính bàn tay của những đảng viên ở Ia Lang đúc nên trong những ngày gian khổ đánh Mỹ.

Bằng tình cảm đặc biệt đối với Bác kính yêu, họ đã đúc tượng Bác theo trí tưởng tượng để khẳng định một niềm tin tất thắng vào tiền đồ cách mạng. Trong số những người giữ tượng Bác, nhiều người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, tên tuổi được lưu danh tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ xã…

imgNhững ngôi nhà khang trang đang mọc lên ngày một nhiều trong phong trào xây dựng NTM ở Ia Lang. Ảnh: Lan Hiăng

"Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, nhân dân Ia Lang đã đóng góp gần 1 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh như công trình điện chiếu sáng làng Le; đường giao thông làng Phang, làng Yẽh; sửa chữa nhà rông văn hóa xã và hỗ trợ sản xuất cho những hộ nghèo...”.

Ông Rah Lan Hiăng - Bí thư Huyện ủy Đức Cơ

Nhắc tới cái tên Ia Lang là nói tới chiến công của Đại đội trưởng Siu BLễ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; của người thiếu niên anh dũng Rơ Chăm Bơng, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ năm 13 tuổi...

Trong chiến dịch Plei Me lịch sử, nhân dân La Lang đã ra tận chiến trường tải lương, gùi đạn, chuyển thương phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần quan trọng cho chiến thắng vang dội của quân và dân ta. Ia Lang cũng là vùng đất nghĩa tình nuôi nấng, chở che bộ đội; là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực, trong đó có Sư đoàn 320 (Binh đoàn Tây Nguyên anh hùng).

Kết thúc chiến tranh, xã có 83 người con ưu tú ngã xuống trên các mặt trận; hơn 200 thương-bệnh binh và gia đình có công với nước… Tuy nhiên chiến tranh ác liệt cũng đã để lại cho mảnh đất Ia Lang những tàn tích nặng nề; những trì kéo của nếp nghĩ, nếp làm lạc hậu… Trước những năm 1990, mỗi ngôi làng ở Ia Lang còn như một thế giới biệt lập giữa rừng, không điện – đường – trường- trạm…

Phẩm chất anh hùng và nội lực

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015 đã thổi luồng gió mới tới Ia Lang. Tuy không phải là xã điểm, song với nhận thức “xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống mới cho chính mình”, chỉ hơn 4 năm triển khai chương trình cộng với những nền móng mà Nhà nước đã đầu tư trước đó, đến nay cơ sở hạ tầng của xã đã khá hoàn chỉnh.

Đời sống người dân được nâng lên một bước: không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh. Có được kết quả này là nhờ xã đã biết phát huy truyền thống cách mạng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là khơi nguồn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để tạo nguồn nội lực. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất...

Qua cuộc vận động xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm ăn giỏi như: Cựu chiến binh Rơ Châm Boch ở làng Dít Yẽh đã trồng được 1,5ha điều, 2ha cà phê, 500 trụ tiêu; làm chuồng trại để nuôi 30 con bò, 150 con gà, mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 600 - 800 triệu đồng...; hay gia đình cựu chiến binh Rơ Châm Vêu làng Gào với 3ha điều, 2,5ha cà phê, 500 trụ tiêu, thu nhập bình quân từ 500-700 triệu đồng/ năm... Đời sống vật chất được cải thiện đã tạo sự đồng thuận, lôi cuốn mạnh mẽ bà con các dân tộc chung sức xây dựng NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem