Thời gian vừa qua, hàng loạt những vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục đối với trẻ em và cả phụ nữ khiến dư luận bang hoàng, phẫn nộ. Đặc biệt, một tài khoản Facebook có tên Thư Đỗ đã nêu lên quan điểm sẽ im lặng nếu như con gái của mình là nạn nhân của việc xâm hại tình dục làm “bùng nổ” lên cuộc tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Vụ việc cháu bé bị xâm hại trong thang máy tại TP.HCM gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Ngày 16.4, tại buổi tọa đàm “Im lặng hay lên tiếng” do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) tổ chức, nhiều ý kiến đã được các chuyên gia nêu ra để thảo luận về việc lên tiếng trước công luận hay không của nạn nhân sau khi bị xâm hại tình dục.
Trước vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là nếu bạn là người trong cuộc, có con cái không may trở thành nạn nhân của việc xâm hại tình dục, bạn sẽ làm gì? Nhà báo Phạm Gia Hiền cho rằng, phụ huynh cần lên tiếng, nhưng phải vô cùng cẩn trọng.
“Trong thời gian qua, trong xã hội ai cũng quan tâm tới những vụ việc xâm hại tình dục. Theo tôi đây là một niềm đau mà toàn xã hội phải chịu sự tổn thương từ nó. Ý kiến im lặng xuất hiện sau vụ tấn công tình dục diễn ra trong thang máy, trong bối cảnh dư luận vẫn sôi sục vì chưa có xử lý thỏa đáng đối với kẻ thủ ác.
Nhà báo Phạm Gia Hiền (Ảnh: IT).
Cá nhân tôi cho rằng đó là một ý kiến rất thẳng thắn, tôi khẳng định rằng người mẹ ấy rất yêu con mới có thể đưa ra được quan điểm đó. Có lẽ cô ấy muốn dư luận có một cái nhìn tỉnh táo và nhiều chiều hơn đối với câu chuyện như vậy. Các ông bố, bà mẹ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn hướng giải quyết khi là nạn nhân của việc xâm hại tình dục", nhà báo Phạm Gia Hiền nói.
Nhà báo Phạm Gia Hiền cho biết, nếu là anh, anh sẽ không im lặng, nhưng cuộc đấu tranh phải diễn ra theo nhiều cách để bảo vệ con của mình. Đấu tranh ngay cả khi điều xấu nhất chưa xảy ra đối với mình, cần phải đặt tương lai của cháu bé lên đầu tiên. Bất kể chúng ta có lên tiếng, phẫn nộ, đấu tranh thì tương lai của cháu bé là do chúng ta quyết định bây giờ.
Nhà thơ Lữ Mai lại lưu ý tới việc cha mẹ thường nhanh chóng “hài lòng” với câu trả lời của con trẻ khi có những sự việc bất thường, xâm hại xảy ra với trẻ mà ít khi tìm hiểu, đào sâu để hiểu được chân tướng vấn đề.
Nhà thơ Lữ Mai.
“Người lớn cần phải để ý tới những chi tiết nhỏ nhất, lời nói vu vơ nhất của con trẻ để nhận biết được cạm bẫy, nguy cơ hay những xâm hại mà trẻ đã trải qua. Tôi cho rằng ở một xã hội phức tạp như hiện tại, quan điểm im lặng là có thể hiểu được, nhưng với tôi, tôi vẫn chọn lên tiếng. Cách nào để lên tiếng mới là điều quan trọng. Chúng ta cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện”, nhà thơ Lữ Mai nhận định.
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA kể lại một câu chuyện về bà mẹ đã theo đuổi vụ việc con gái mình bị xâm hại trong vòng 4 năm, thế nhưng kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dù cho cơ quan điều tra đã nhiều lần lật lại vụ án.
Bà Vân Anh cho rằng: “Nếu các vụ án cứ tiếp tục xử lý như vậy, cứ chìm vào quên lãng thì sự nguy hiểm là không ai muốn nhắc lại những quán khứ đau buồn nữa. Chúng ta cần phải khích lệ, tạo ra những điều kiện để cái sự “nói ra” đó được dễ dàng hơn cho các nạn nhân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.