Iran hồi hộp chờ gọi tên tân tổng thống

Thứ sáu, ngày 14/06/2013 15:38 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ngày 14.6, khoảng 50 triệu người dân Iran bắt đầu đi bỏ phiếu bầu chọn người kế nhiệm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Cuộc bầu cử được đánh giá là kịch tính trong lịch sử nước này.
Bình luận 0

Tham gia cuộc chạy đua vào dinh tổng thống Iran lần này có 6 ứng viên, gồm:

1: Mohammad Bagher Ghalibaf - thị trưởng Tehran nhiệm kỳ 2

2: Ali-Akbar Velayati - cựu Ngoại trưởng và hiện là cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế và ngoại giao cho Lãnh tụ Tối cao Iran.

3: Saeed Jalili - trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran.

4: Mohsen Rezaei - cựu tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Iran và hiện là thư ký Hội đồng Điều hợp Iran, chuyên hòa giải giữa Quốc hội và Hội đồng Bảo vệ Cách mạng.

5: Hassan Rouhani - một giáo sĩ cấp cao, thành viên của Hội đồng Điều hợp Iran, từng giữ chức thư ký của Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao trong 16 năm và trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran từ năm 2003 đến 2005.

6: Mohammad-Gharazi - từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Xăng dầu và Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Iran.

img
Cử tri Iran đang trải qua một cuộc bầu cử đầy kịch tính.

Trong vòng bỏ phiếu hôm nay, nếu không ai trong số các ứng viên nhận được sư ủng hộ của trên 50% cử tri tham gia bỏ phiếu, thì sẽ ấn định tiến hành vòng bầu cử thứ hai, dự kiến bỏ phiếu vào ngày 21.6. Đây là cuộc bầu cử tổng thống Iran đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi năm 2009, châm ngòi cho nhiều tháng bất ổn chính trị tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khameinei nói ông không ủng hộ ứng cử viên nào, đồng thời cho biết, ông ủng hộ chung tất cả những ứng cử viên bằng cách kêu gọi người dân đi bầu cử sớm và đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện cũng rất khó đoán được nhân vật nào tiềm năng nhất cho chiếc ghế tổng thống Iran, bởi trong quá khứ, quốc gia Hồi giáo này luôn có những ngạc nhiên vào phút chót ở các cuộc bầu cử. Nhưng cũng có thể thấy, hai cái tên được báo chí nước này nhắc đến nhiều nhất và có khả năng sẽ đối đầu với nhau nhất là ông Rouhani và ông Velayati.

Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại, liệu nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khameinei có giữ thái độ trung lập tuyệt đối cho đến phút chót trong cuộc bầu cử lần này hay không.

Những kinh nghiệm từ cuộc bầu cử tổng thống Iran năm 2009 cho thấy, nếu lịch sử lặp lại, trong lần bầu cử này, khi ứng cử viên của chế độ lâm nguy (ở đây là ông Velayati - cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế và ngoại giao cho Lãnh tụ Tối cao Iran), nhà lãnh đạo sẽ can thiệp bằng mọi cách để ủng hộ ứng cử viên thân cận với mình và chế độ hiện hành hơn.

Còn trong trường hợp ông Rouhani giành thắng lợi, người ta cũng đặt ra câu hỏi rằng, vậy chế độ có sử dụng những trò gian lận và trấn áp phong trào phản đối diễn ra tiếp sau đó hay không.

Tất cả vẫn đang còn là ẩn số và không chỉ có Iran, cả thế giới cũng đang dõi theo những thông tin về cuộc bầu cử kịch tính trong lịch sử nước này.

Các ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống đều tuyên bố trong chiến dịch tranh cử sẽ làm hết khả năng để khôi phục kinh tế và giải quyết khủng hoảng hạt nhân.

Cuộc bầu cử tổng thống Iran lần này với một nhân vật được đa số nhân dân ủng hộ, mong muốn giảm căng thẳng trong quan hệ đối ngoại của Iran là một tín hiệu rõ ràng đối với thế giới rằng Iran đang bắt đầu một chương mới trong chính sách đối ngoại.

Có thể nói rằng điều quan trọng nhất chính là chính phủ mới sẽ thể hiện sự sẵn sàng và khả năng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Điều quan trọng nữa là, dù ai trở thành tân tổng thống Iran thì cũng không nên coi thế giới là chiến trường để tiến hành chiến tranh và xung đột. Đó là lý do tại sao người dân Iran đang trải qua một cuộc bầu cử lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem