Đậu cô ve tím (còn gọi là đậu tây), tên khoa học là Phaseolus Vulgaris. Đậu cô ve tím cũng giống như các loại đậu cô ve xanh hay vàng đều ưa đất tơi xốp, thoát nước, dễ trồng, ít sâu bệnh mà sai quả. Vì thế đây cũng là một loại rau bạn có thể tự trồng trong khuôn viên nhỏ hẹp của vườn nhà. Chỉ cần chuẩn bị một diện tích đất nhỏ hoặc tận dụng ban công, tầng thượng là bạn đã có một giàn đậu cô ve hứa hẹn cho "vụ mùa" bội thu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt thì mỗi một gói hạt giống đậu cô ve tím được bán trên thị trường hiện có giá khoảng 60.000 đồng/gói. Không phải lần đầu tiên mua hạt giống đậu cô ve tím về trồng, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Loại đậu này rất dễ trồng và cho năng suất cao, vì có màu sắc bắt mắt nên các con chị rất thích và đây cũng chính là một trong số ít những loại rau mà chúng thích ăn”.
Giống đậu cô ve độc đáo này có màu tím bắt mắt khá dễ trồng và được dùng trong bữa ăn của nhiều gia đình. Mặc dù quả có màu tím nhưng khi nấu chín, chúng lập tức chuyển sang màu xanh.
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ
- Khay nhựa, khay xốp hoặc rổ nhựa vo gạo
- Đất trồng
- Hạt giống đậu cô ve tím
- Bình tưới
Bước 2: Trồng cây con hoặc gieo hạt mầm
Trồng cây con: Trồng cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 50cm.
Gieo hạt: Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong khoảng 12 giờ, vớt ra ủ hạt trong khăn ẩm 12 giờ tiếp theo ở nhiệt độ 25-30 độ C cho đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Hạt đem gieo cách nhau 15cm, hàng cách hàng 50cm. Sau khi gieo hạt xong lấp một lớp đất mỏng khoảng 2cm.
Bước 3: Chăm sóc
Tưới nước cho cây: Dùng bình để tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa áp lực thấp, hoặc bình tưới phun để tưới cho cây. Tưới nước 2 lần trong ngày vào sáng sớm và chiều mát đối với mùa hè. Không nên tưới nước vào giữa trưa nắng nóng. Tưới nước 1 lần trong ngày vào chiều tối đối với mùa đông. Không nên tưới nước quá nhiều cho cây.
Khi cây có 2-3 lá thật, ta nên phun bổ sung các loại phân hữu cơ sinh học định kỳ 7-10 ngày/lần, kết hợp vun gốc cho cây. Khi cây được 5-6 lá cần cắm giàn ngay cho cây leo.
Mỗi cây cắm 1 cọc cao 1.5m cách gốc 10cm. Có thể buộc thêm các thanh ngang nối các cọc với nhau tạo giàn chắc hơn.
Bước 4: Phòng ngừa sâu bệnh
Sau khi rau trồng từ 1- 2 ngày ta bắt đầu phun thảo mộc phòng ngừa sâu bệnh. Để phòng ngừa sâu bệnh đạt hiệu quả cao cứ 5 ngày ta phun 1 lần, mỗi lần phun hòa 5ml dung dịch với 1 lít nước phun cho 10m2.
Bước 5: Thu hoạch
Thu hoạch vào sáng sớm, sau đó bón phân vào chiều mát, sau 60- 70 ngày kể từ ngày gieo hạt.
Khi quả bắt đầu nổi hạt, ta tiến hành thu hoạch từng lứa, tránh làm giập nát, hư hỏng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.