Sáng 10/4, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ nhiều ôtô nghi bị kẻ gian chọc thủng lốp khi đỗ trên vỉa hè bờ hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hiện Công an phường Hoàng Liệt và Công an quận Hoàng Mai đang phối hợp xác minh.
Cùng ngày, mạng xã hội lan truyền thông tin hơn 20 ô tô đỗ trên vỉa hè hồ Linh Đàm bị chọc thủng lốp.
Theo quan sát của PV, các ôtô bị chọc thủng lốp cùng đỗ trên một đoạn vỉa hè phố Nguyễn Phan Chánh (cạnh hồ Linh Đàm). Ngoài ra, một số ôtô đỗ dưới lòng đường quanh khu vực này cũng bị chọc thủng lốp.
Các ôtô này bị chọc thủng từ 1-2 lốp. Các vết chọc chủ yếu nằm ở má ngoài của lốp, dài khoảng 1cm.
Có dấu hiệu hình sự
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận nên cần lên án mạnh mẽ.
Pháp luật có chế tài bảo vệ tài sản của cá nhân, tổ chức, mọi hành vi cố ý hay vô ý gây thiệt hại đến tài sản của người khác đều phải chịu những chế tài pháp lý tương xứng.
Theo luật sư Đồng, qua thông tin và diễn biến ban đầu cho thấy có hơn 20 xe ôtô bị chọc thủng lốp, hành vi này là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, cơ quan công an cần sớm vào cuộc điều tra để xác định người thực hiện hành, làm rõ động cơ, mục đích gì, định giá tài sản thiệt hại… để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật, nếu đây là nơi được phép trông giữ phương tiện và có đơn vị đứng ra nhận trông giữ xe, giữa đơn vị trông giữ phương tiện và chủ phương tiện có hợp đồng gửi giữ tài sản, đơn vị trông giữ phương tiện phải có trách nhiềm bồi thường cho các chủ phương tiện theo quy định tại Điều 556 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với hành vi của đối tượng chọc thủng lốp các phương tiện, theo vị luật sư, trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền là từ 3 đến 5 triệu đồng.
Còn nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ bị xử lý về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015.
Người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, luật sư Đồng thông tin, người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như để trả thù, vì ghen tuông… nhưng chủ yếu là vì tư thù.
Tuy nhiên, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.