Kể chuyện ba năm đón Tết trên đất Pháp

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 07:16 AM (GMT+7)
Dân Việt - Tôi còn nhớ cái hôm mùng Một năm ấy, vào lớp tôi cứ khoe với các bạn Pháp rằng, hôm nay là ngày đầu năm mới, là lễ cổ truyền dân tộc Việt Nam và một số đất nước Á châu.
Bình luận 0

“…Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam / Dù đi đâu ai cũng nhớ /

Về chung vui bên gia đình…”

Hồi nhỏ mỗi lần sắp đến Tết là tôi cứ nghe bài hát “Ngày Tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy phát khắp hang cùng ngõ hẻm và thấy vui tươi theo giai điệu rộn ràng của bài hát, chứ chưa cảm nhận hết ý nghĩa sâu sắc của lời hát. Giờ đây, sau ba lần đón Tết trên đất Pháp, tôi mới thấm ra tình cảm thực sự của mình đối với ngày lễ lớn này của dân tộc.

img
Nhớ Tết Việt Nam phải nhớ đến không khí chợ hoa ngày Tết

Đối với người Việt Nam, Tết như chảy trong dòng máu của mỗi người từ lúc sinh ra. Tuy giờ đây không được đón Tết ở Việt Nam nhưng những ký ức tuổi thơ luôn hiện rõ trong tâm trí tôi. Lúc còn ở nhà, như bao đứa trẻ khác, tôi thích Tết kinh khủng, vì một lí do vô cùng… tâm lý trẻ con: được nghỉ học và chuẩn bị được đếm tiền lì xì!

Tôi nhớ như in cái không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết của gia đình mình: Đi chợ Tết, chợ hoa; trang hoàng nhà cửa; nấu những món ăn đặc trưng ngày Tết; cúng ông Táo, cúng Giao thừa… Mệt thì cũng mệt lắm, nhưng ngược lại hạnh phúc vô ngàn! Trong số những hoạt động đó tôi thích nhất là đi chợ hoa ở công viên 23-9.

Một phần là vì tôi yêu hoa lắm: nào là mai đặc trưng miền Nam, phong lan đẹp sang trọng thơm quyến rũ, cúc mâm xôi - loài hoa tôi cưng nhất vì cái dáng mập tròn của nó làm tôi liên tưởng đến đĩa xôi nếp thơm lừng, trạng nguyên tôi chọn về chưng năm tôi thi tốt nghiệp đại học, vạn thọ với sắc vàng rực rỡ, mãn đình hồng nổi bật sắc hồng, hướng dương mạnh mẽ hướng ánh mặt trời, nhiều vô kể; và hơn nữa được len lỏi giữa một rừng những “thiếu nữ” sở hữu nét đẹp muôn màu muôn vẻ như vậy khiến tôi thấy mát mắt lắm, đến nỗi chỉ muốn dang rộng vòng tay ôm lấy chúng vào lòng!

Tạm biệt quê nhà thân yêu, cắp sách lên đường làm sinh viên du học, cái Tết xa nhà năm đầu tiên, tôi như muốn điên lên vì nhớ nhà! Tất cả những cảm xúc ùa về, bao quanh lấy tâm trí tôi. Cũng may tôi được đón tiếp trong một gia đình Việt kiều trong khoảng thời gian Tết, nên lòng lấy lại được cảm giác ấm áp. Và khi được có may mắn thưởng thức bánh chưng nơi xứ người, tôi ứa nước mắt liền…

Tôi còn nhớ cái hôm mùng Một năm ấy, vào lớp tôi cứ huyên thuyên khoe với các bạn Pháp rằng, hôm nay là ngày đầu năm mới theo lịch trăng rằm của châu Á, là lễ cổ truyền dân tộc Việt Nam và một số đất nước Á châu. Các bạn vui vẻ trò chuyện chúc mừng “năm mới” của tôi.

Năm thứ hai, vào ngày mùng Một, cùng với hai người bạn Đức, chúng tôi ra Hotel de Ville ở Paris để xem diễu hành, múa lân biểu diễn bởi nhóm người Trung Quốc. Hai bạn tôi chụp hình nhiều lắm, họ nói cảm thấy vô cùng thích thú khi lần đầu tiên chứng kiến lễ hội đón năm mới của người châu Á thật là sống động với họ quá…

img
Diễu hành, múa lân đón Tết tại quảng trường Hotel de Ville ở Paris

Ngoài ra cũng trong khoảng thời gian đó, tôi đã chọn nội dung “Tết cổ truyền” cho bài thuyết trình chủ đề tự do của mình để giới thiệu nét văn hóa dân tộc độc đáo ấy, thông qua những hình ảnh đầy màu sắc đặc trưng quê nhà và những lời giải thích tôi cố gắng truyền đạt cho các bạn.

Và rồi năm nay, ở Montpellier, cùng với những người bạn đồng hương, chúng tôi tập văn nghệ, múa, hát, đàn tranh… để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này. Được tìm lại không khí thân quen ấy, tôi thấy lòng mình cực kỳ ấm áp giữa cái lạnh mùa đông nơi xứ người…

Bây giờ, dù ở xa, mạch cảm xúc về Tết luôn mãnh liệt trong tôi, người con đất Việt…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem