Kể chuyện làng: Bánh tẻ quê nhà – một lần ăn… sống!

Trí Dũng Nhân Thứ tư, ngày 18/03/2020 08:00 AM (GMT+7)
Xa quê đã nhiều năm nhưng trong tôi luôn ngồn ngộn kí ức về dải đất xứ Đoài bên dòng Tích Giang có cái tên mộc mạc: Làng Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Sơn Tây hay xa xưa hơn nữa là thuộc trấn Sơn Tây).
Bình luận 0

Trong nỗi nhớ ấy, tất nhiên là không thể thiếu được những món quà quê mộc mạc nhưng đầy quyến rũ, đặc biệt là vị bánh tẻ quê nhà.

Quê tôi có nhiều nơi biết làm bánh tẻ nhưng ngon nhất là phải kể đến bánh tẻ Cầu Niêu (thuộc làng Thạch Xá, lân cận làng tôi). Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần may mắn nhận được cái bánh tẻ - quà chợ của mẹ, tôi cẩn thận lấy dao cắt ngang cái bánh thành nhiều miếng để có thể nhấm nháp cái hương vị đam mê ấy. Miếng bánh cuối cùng luôn được tôi mân mê trong tay, ngắm nghía rất kĩ trước khi nó lọt thỏm trong cổ họng với cái cảm giác vừa khoan khoái, vừa nuối tiếc...

img

Khách mê bánh tẻ có thể mua nhiều, cất vào ngăn mát tủ lạnh, ăn dần đến phiên chợ sau.

Rồi có một lần tôi được ăn bánh tẻ đến đã đời, ăn cả bánh sống và bánh chín. Đó là vào tháng 4 năm 1975, khi đất nước toàn thắng, anh tôi từ chiến trường trở về nguyên vẹn nên mẹ tôi quyết định làm một nồi bánh tẻ để liên hoan. Tôi thấy bà tất tả đi hỏi mua vài đấu gạo (mỗi đấu khoảng 1kg) với điều kiện là “gạo mới, được cấy trên đồng Rộc thì bánh ngon hơn”.

Tôi ngày ấy còn nhỏ nhưng giỏi leo trèo nên được mẹ giao cho đi hái lá tre. Các chị tôi thì được giao ngâm gạo, đãi gạo, rửa lá bánh, rửa chõ đồ… cả nhà tôi vui còn hơn hội làng. Thầy tôi cũng tham gia vào nhiệm vụ chẻ lạt buộc bánh.

Hôm ấy đúng phiên chợ Cầu, tranh thủ buổi sáng ngâm gạo, mẹ tôi cắp thúng chạy xuống chợ, tôi vội bám theo. Tôi thấy mẹ mua 2 lạng thịt lợn ba chỉ, ít mộc nhĩ, nắm hành tươi, một lọ nước mắm cá nhỏ nhưng thơm lừng… rồi tất tả trở về. Tôi cũng quên luôn cả việc vòi vĩnh chiếc bánh tẻ thần thánh như mọi lần vì lòng đang thầm nhủ: Tí nữa nhà mình có đầy!

Đãi gạo xong, mẹ bảo chị gái lớn nhà tôi cho gạo vào cái cối xay nho nhỏ ở góc nhà. Cối được làm bằng đá trắng, có cắm cái chốt gỗ để làm tay nắm. Mẹ dặn “quay từ từ thì bột mới nhuyễn. Phải nhỏ nước vào gạo thật đều, nếu không sẽ cháy cối, hỏng bột”.

Chỉ đạo xong mọi việc, mẹ đem thịt ra thái thành miếng nhỏ và dài như nửa chiếc đũa, ướp mì chính, nước mắm một lát rồi cho tất cả thịt, hành, mộc nhĩ lên xào chín để làm nhân bánh. Khi ấy, tôi vừa hít hà vừa thầm ước: Giá được chén bát nhân này thì cũng sướng như ăn bánh tẻ.

img

Bánh tẻ quê tôi gói bằng lá tre mai nên thường có màu trắng ngà chứ không có màu xanh bên ngoài như gói bằng lá dong, lá chuối.

Bột gạo xay xong được mẹ vớt lên mâm để cho ráo nước.  Mẹ khéo léo xúc từng thìa bột, rải dọc đoạn to nhất của cái lá tre rồi dùng thìa quẹt một rãnh dài dọc theo lớp bột. Trên cái rãnh ấy, mẹ đặt nhân bánh vào, phủ bột lên trên rồi gói lại thành chiếc bánh một mặt cong, một mặt phẳng. Hai mặt phẳng của mỗi chiếc bánh lại được úp vào nhau để thành cặp. Thầy tôi bảo: Bánh hấp thì sẽ ngon hơn là bánh luộc. Nhà mình chả mấy khi làm bánh, cứ hấp lên, ăn cho ngon.

Khi nước nồi hấp bắt đầu sôi và bốc lên hơi nước trên mặt chõ, thầy tôi lấy 1 nén hương thắp bên cạnh bếp và bảo: Thằng cu không hay ngủ trưa nên trông nồi bánh nhé. Cứ nhìn nén hương cháy hết là bánh chín. Lửa phải cháy to, đều thì bánh mới ngon. 

Tôi vui vẻ trông nồi bánh tẻ nhưng không phải vì chịu khó hay không biết làm gì vào buổi trưa mà bởi trong đầu tôi đang nảy ra một sáng kiến mới. Với tôi khi ấy, đó là một sáng kiến vĩ đại: Thổi hương cháy to cho nhanh tàn. Có lẽ bởi cái sáng kiến ấy nên tôi không lo chăm củi lửa mà phồng mồm trợn mắt thổi vào nén hương liên tục. Khi thấy nén hương chỉ còn khoảng đốt ngón tay, tôi rón rén lật cái vung nồi làm bắng nan tre, nhót cho mình một chiếc bánh ở lớp trên cùng. Dù bánh nóng bỏng nhưng tôi cũng đâu có dại gì. Tôi lấy nắm rơm, bọc cái bánh nóng và mang ra gốc cây sấu sau nhà, tranh thủ đáp ứng cái khát khao thưởng thức đang sôi sùng sục từ bờ môi tới lòng phèo. Đấy là lần đầu tiên tôi ăn bánh tẻ mà không cắt thành khúc. Cứ để nguyên cả chiếc bánh như con thuyền nan mini lật úp, có màu trắng ngà như men sứ ấy, vừa đưa lên miệng vừa thổi vì nóng lắm.

img

Chợ phiên quê tôi, từ xa xưa đến nay, không bao giờ thiếu hàng bánh tẻ. Bánh tẻ có thể ăn nóng và cũng có thể ăn nguội tùy sở thích.

Nhưng tôi cũng chợt nhận ra sự khác biệt ngay từ miếng bánh đầu tiên. Bánh không thơm như bánh ở chợ Cầu mà có mùi ngai ngái và cảm giác sàn sạn trên đầu lưỡi như ăn quả hồng xiêm chín nhũn. Nhìn lại vết cắn trên miếng bánh, thấy nó không đanh, gọn mà nhão nhão, có màu trắng sữa… Bằng kĩ năng sống của đứa trẻ trâu nơi thôn dã, tôi kết luận ngay là… bánh còn sống!

Đang loay hoay tìm cách gói lại cái bánh thì tôi thấy tiếng mẹ tôi nhỏ nhẹ sau lưng: Để mẹ gói lại cho, làm mạnh tay là vỡ bánh đấy. Bánh phải luộc chín thì mới ngon. Khi cái nóng đủ làm chín bánh thì hương vị của mộc nhĩ, thịt, mắm, muối mới thấm ngược ra lớp bột gạo bên ngoài làm cả chiếc bánh thơm ngon hơn, đủ vị hơn. Bánh tẻ quê mình không dùng hành khô mà dùng hành tươi làm nhân. Hành tươi khi được đun đủ nhiệt và thời gian, nó sẽ nẫu ra cùng nước mỡ, mộc nhĩ, nấm hương, thấm vào từng thớ bánh. Đó là vị bánh tẻ đặc trưng của quê mình. Bánh tẻ dễ làm nhưng không phải ai cũng biết làm ngon vì nó là hồn của quê nghèo đấy, con ạ!

Ôi mẹ! Mới đó mà đã bốn mươi lăm năm rồi.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem