Kể chuyện làng: Thương những mùa lạc tuổi thơ

Phạm Thị Yến Thứ bảy, ngày 22/06/2024 15:30 PM (GMT+7)
"Chị ơi, em có ít lạc củ tươi cuối vụ nhà trồng cho các cháu,...", đó là tấm lòng thơm thảo của phụ huynh dành tặng cho cô giáo. Trong tôi trào dâng niềm xúc động cùng sự trân trọng tình cảm phụ huynh học sinh dành cho mình.
Bình luận 0

Nhìn túi lạc tươi với những củ tròn mẩy, căng bóng vẫn còn bám chút đất nằm gọn trong chiếc rổ nhựa đặt trong bếp với lời xuýt xoa, trầm trồ của mẹ: " Nhìn củ lạc là mẹ biết đất tốt và sự chăm bón kĩ càng của người trồng ra nó. Lại nhớ cái ngày xưa nhà mình cũng trồng lạc. Ngày mấy đứa còn nhỏ. Cái thủa hàn vi thiếu thốn,...". Lời gợi nhắc của mẹ đã đưa tôi trở lại những ký ức xa xăm của tuổi thơ chở đầy cổ tích. Ở đó đúng như mẹ nói cái " thủa thiếu thốn" nhưng sao tôi lại thấy cả một vùng trời bình yên. Ở đó có những mùa lạc, có những ngày theo mẹ lên nương nhổ từng bụi lạc nằm ẩn mình nơi đất mẹ. Ở đó có mùi của yêu thương và cả những giọt mồ hôi rịn đầy nơi lưng mẹ...

Kể chuyện làng: Thương những mùa lạc tuổi thơ- Ảnh 1.

Những củ lạc tươi tròn mẩy. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cái ngày xưa ấy, nếu ai sinh ra ở lứa tuổi 7x hay 8x như tôi chẳng có đứa trẻ con nào nếu sinh ra ở miền núi mà lại không có tuổi thơ gắn liền với những củ khoai, củ sắn, bắp ngô và chắc chắn nhà ai có nương như nhà tôi thì ngoài việc trồng ngô để lấy bắp cho lợn hay ngô nếp để luộc ăn chơi thì bên cạnh đó mẹ sẽ trồng thêm một ít lạc củ ngay dưới gốc của những cây ngô đã lên ngang người. Tôi vẫn nhớ câu nói của mẹ:" Trồng thêm ít lạc dưới gốc ngô để vừa giữ mầu cho đất lại có lạc ăn dần. Một công đôi việc, chăm luôn một thể". Mùa thu hoạch lạc ở quê tôi thường rơi vào tháng 4 tháng 5 và muộn hơn chút là tháng 6 hè về.

Đợi cho những cơn mưa rừng dài lê thê nơi núi rừng Tây Bắc ngớt. Tranh thủ mấy ngày nắng ráo mẹ sẽ lên kế hoạch cho hai chị em lên nương cùng mẹ thu hoạch lạc. Công việc chẳng có gì nặng nhọc và trong đầu đã mường tượng ra biết bao món ngon được chế biến từ củ lạc đơn sơ mộc mạc của mẹ, tôi và chị vô cùng háo hức. Mẹ có trọng trách bới và nhổ từng bụi lạc đang cố trốn mình nơi lòng đất hăng hắc, nồng nồng của biết bao ngày mưa gió, nay gặp chút nắng hanh hao đất được thể phả vào nhân gian cái mùi nồng mặn của mình. Hai chị em tôi có nhiệm vụ giũ bớt lớp đất đang bám vào bụi lạc và mót lại những củ rơi theo đất để không bị sót tránh sự lãng phí.

Kể chuyện làng: Thương những mùa lạc tuổi thơ- Ảnh 2.

Món canh mướp nấu lạc tuổi thơ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Lạc sau khi được mang từ nương về. Mẹ để một phần lớn đem phơi lấy lạc khô ăn dần những ngày nhà không có thức ăn. Còn một phần mẹ trút vào chiếc chậu nhôm to đổ nước để lạc trút hết lớp đất còn bám nơi thân vỏ. "Tối nay cả nhà mình sẽ có nồi lạc luộc đầu mùa cho bố mày mời các chú vừa ăn lạc, uống nước chè xem ti vi bàn chuyện thế giới". Còn tôi, chưa tới tối mà tôi như thấy mùi lạc luộc thơm bùi, béo ngậy đầu đây. Cái mùi ngai ngái đặc trưng của vỏ lạc tươi xộc lên mũi khiến tôi như thấy biết bao nhiêu dự định của mẹ để chế biến ra vô vàn món ngon từ những củ lạc tròn mây mẩy ấy.

Trong những món mẹ chế biến từ lạc như: lạc luộc, lạc khô rang ướp muối ăn cùng cơm thì có lẽ món lạc tươi giã nhỏ chưng hành khô và lạc nấu canh mướp là tôi thích nhất. Mùa hè cũng là mùa của những trái mướp treo lủng lẳng hay cố thu mình nơi những tán lá xanh tránh sự tìm kiếm của bố. Mùi thơm của hoa mướp đánh thức giác quan của lũ ong bướm dập dờn như đi trẩy hội. Mùi ngòn ngọt của những trái mướp non căng tròn mời gọi. Không hiểu sao, trong tôi khi ấy luôn mặc định một điều rằng: Mướp sinh ra là để làm tăng sự tròn đầy, béo ngậy của những hạt lạc tươi vừa được tôi tách vỏ lấy nhân đem giã dập, nhỏ và nhuyễn một chút trong chiếc cối đá nhũn nhặn nằm nép mình nơi góc bếp chờ đợi sự trưng dụng của gia chủ.

Lạc sau khi được giã dập sẽ được mẹ tôi vừa nấu canh mướp lại làm luôn món lạc tươi chưng mắm hành khô. Mùa hè, nhất là hôm ấy mà trời đổ mưa là y rằng căn bếp nhà tôi sẽ thơm lừng món lạc "gia truyền" ấy. Món ăn thân quen mang thương hiệu chuẩn cơm bếp mẹ. Lạc sau khi được giã nhuyễn sẽ được mẹ chia làm hai phần. Một phần để nấu canh mướp, một phần để trưng làm món mặn.

Sau khi phi hành với một chút mỡ lợn nóng già, mẹ trút lạc vào nồi đảo thêm chút mắm cho dậy vị, xào lạc cho thơm cùng những vòng tròn đũa đảo đều tay, chờ khoảng 2 phút mẹ đổ nước vào nồi đun sôi, thấy có lớp bọt nhiều mẹ bớt củi cho lửa nhỏ rồi hớt lớp bọt bỏ đi thế là mẹ trút hết những miếng mướp hương đã được chị thái đều tay vào nồi. Chờ nồi canh sôi lại lần nữa là mẹ nhanh tay bắc nồi xuống khỏi bếp, nêm nếm thêm chút mì chính, muối hạt, hành tươi, một chút mùi tàu và rắc thêm ít hạt tiêu xay thơm nồng là nồi canh lạc nấu mướp của mẹ đã hoàn thành. Nhìn nồi canh tỏa hương thơm ngào ngạt vấn vít với làn khói bếp đang cố vươn mình, lách qua khe của những tấm liếp tre ám mùi bồ hóng, mùi muội khói tôi như " cảm" được tình yêu biển trời mẹ dành cho các con qua mùi của những món ăn đơn sơ, dân dã. Và để mâm cơm thêm phần tươm tất mẹ lại bắc chiếc chảo gang nhỏ lên bếp phi thơm hành khô là mẹ trút hết bát lạc tươi nêm thêm chút mắm, đảo thật đều tay và chờ cho lạc đã ngấm gia vị mẹ cho thêm chút nước để lạc sền sệt. Nhắm thấy mùi lạc trưng đã chín tới mẹ cho chút mì chính để lạc đậm, ngọt hơn là đã hoàn tất món lạc chưng đưa cơm đầy mời gọi.

Kể chuyện làng: Thương những mùa lạc tuổi thơ- Ảnh 3.

Bát canh mướp nấu lạc gây thương nhớ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mâm cơm được dọn ra với cơ man sự háo hức của ba chị em chúng tôi. Chẳng cần thúc giục mà út đã ngồi khoanh chân chờ mẹ đánh tơi cơm trong chiếc nồi gang dày bám dính lớp bồ hóng đen sì. Mùi của bát canh mướp nấu lạc đang tỏa hương thơm ngát. Cái món ăn đơn sơ, mộc mạc ấy khi được mẹ chế biến sao nó có sức thu hút đến lạ lùng. Đưa miếng mướp hương vào miệng, cái vị thanh mát hòa quyện cùng vị bùi bùi, beo béo của lạc khiến bố vừa thưởng thức vừa ngợi khen: "Món canh mướp lạc này chỉ có mẹ mấy đứa nấu là hợp ý bố". Mẹ tủm tỉm, niềm vui đong đầy nơi khóe mắt. Tôi và chị lại là "fan" hâm mộ món lạc trưng mắm của mẹ. Xúc một thìa lạc trưng trải đều trên mặt lớp cơm nóng hổi. Mùi thơm của gạo mới bố đổi với bà con trong bản hòa với hương thơm vị bùi béo, mằn mặn nồng nàn của chút hành khô khiến cho bát cơm của mấy chị em vơi nhanh cùng với những lượt xới cơm của mẹ. Chỉ một loáng là bát canh mướp và bát lạc trưng của mẹ đã bị ba chị em chúng tôi đánh bay cùng với lời đề nghị của út: "Mai mẹ lại nấu canh lạc cho út ăn nhé. Món canh lạc của mẹ là nhất,...". Mẹ cười tươi và cái ấn trán yêu dành cho út...

Cứ như vậy, tuổi thơ của chúng tôi lớn dần bên tình yêu thương vô bờ, đức hi sinh lớn lao của bố mẹ. Ở đó có những bữa cơm đạm bạc chan chứa tình yêu thương. Có mùi khói lam chiều hăng hắc, có mùi nồng mặn của đất, có những mùa lạc tuổi thơ và còn có cả hương thơm vẫy gọi của món lạc trưng đơn sơ giản dị nuôi lớn và làm đầy thêm ký ức ngọt ngào của chúng tôi những ngày thơ bé.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem