Theo hướng từ Bắc vào Nam, cứ tạm gọi là mỏ A, mỏ B và mỏ C. Đá của những mỏ này có màu trắng mờ, ánh sắc xanh, cứng và sắc. Sơ suất giẫm phải thì rách bàn chân chảy máu như chơi. Khi người dân xã Hương Phong đến với A Sầu A Lưới (Thừa Thiên Huế) vào ngày 10/7/1975 thì các mỏ đá này đã hoạt động được một thời gian khá lâu. Suốt ngày xe Rùa Vàng mỏ đá, máy kéo, xe múc san gạt, xe ben nườm nượp vào ra chở đá về các công trình. Màu xanh bộ đội nổi bật giữa cái nắng chói chang trên từng vách đá trắng lóa. Họ đang trực tiếp dùng xà-beng neo đẩy hay quai búa tạ tạo ra những loại đá có nhiều kích cỡ khác nhau phục vụ nhu cầu của từng hạng mục xây dựng. Đây là nơi cung cấp nguyên liệu cho các công trình cầu cống và cả tuyến đường 14 thuở ấy.
Khoảng 10 giờ trưa và 4 giờ chiều mỗi ngày là thời điểm bộ đội cho nổ bộc phá bóc đá ra khỏi vỉa. Thời gian nổ có khi 10, 15 phút hoặc ít hơn. Những buổi đầu sao thấy lạ quá. Có đến bốn năm người chạy tới chạy lui, ngay cả trên lưng chừng các triền dốc cũng thấy bóng người. Mỗi khi họ dừng lại là có khói xì lên. Thì ra bộ đội đang đốt dây cháy chậm. Khi cả mỏ đá chỉ còn những làn khói mong manh dưới ánh nắng thì bất ngờ một quầng khói bụi đất đá hình nấm bùng lên sau một tiếng nổ chát chúa. Rồi nhiều tiếng nổ ùng oàng kề nhau đùn ra những hình nấm khác. Cả mỏ đá chìm trong khói bụi mịt mù. Đá vụn, đá nhỏ bị bắn lên cao ào ào rơi xuống. Mấy tảng đá to từ trên cao lăn xuống ầm ầm. Cứ ngỡ là xong, nhưng không. Phải cả phút sau khi khói bụi đã lặng bớt thì một tiếng ục trầm đục lại vang lên. Cả một bức tường đá đổ ụp xuống. Hình như đây mới là đỉnh cao của những lần nổ bộc phá. Đoạn đường qua mỏ đá bị gián đoạn tạm thời. Mùi khói thuốc súng theo gió lan xa. Xe ben, xe gạt khẩn trương làm việc để thông đường. Bọn tôi hay nói vui, không ai sướng như chúng mình. Được xem bắn pháo hoa giữa ban ngày.
Chiều chiều, lúc bộ đội hết giờ làm việc, trời nhạt nắng thì mỏ C là chỗ chơi của anh em chúng tôi. Trước mặt là sông A Sáp. Đoạn này nước sông chảy xiết, sâu chừng ngang thắt lưng. Rất nhiều cá xanh, cá sọc vàng. Cá xanh có màu sắc của vịnh nước sâu gần nơi suối Pa Re đổ vào, cách nơi chúng tôi thả lưới về phía thượng lưu hơn hai trăm mét. Cá sọc vàng có năm sọc vàng ngang thân từ mang xuống. Mỗi lần chúng vùng vẫy hòng thoát khỏi vòng lưới của chúng tôi là cả thân hình lấp lóa ánh vàng dưới ánh mặt trời. Bắt cá chán thì lên mỏ đá chơi. Chạy nhảy chán trên những tảng đá thì đi tìm dây cháy chậm bộ đội cất lại, lấy về làm pháo. Những viên pháo tự chế này vừa có tiếng nổ vui tai, vừa xua đuổi heo rừng về phá hại màu màng mỗi đêm.
Phần lớn Tổ 2 của Thủy Lương nằm trong tầm đá rơi mỗi khi bộ đội nổ bộc phá ở mỏ A và cả mỏ B. Có thời gian, ngày hai buổi, người dân tổ này phải di tản. Khoảng 30 ngôi nhà của Thủy Phước nằm hai bên suối Pa Re tính từ đường mòn Hồ Chí Minh trở ngược lên thượng nguồn, trong đó có nhà tôi sẽ bị ảnh hưởng của những lần mỏ C nổ lớn, những lần nổ cao điểm thi đua hay chào mừng sự kiện nào đó. Nghe nói, mỗi hầm được nhồi cả vài ba tạ bộc phá TNT. Tiếng nổ như tiếng bom. Mặt đất rung rinh. Những lúc này thì cả Tổ 1 và Tổ 3 của Thủy Lương cũng phải di tản.
Đường đi học của tôi ngang qua mỏ C. Nhiều buổi chúng tôi phải đi đường vòng về nhà. Từ trường về đến Tổ 1 Thủy Lương thì rẽ phải. Đi hết Tổ 1, đi thêm một đoạn đường mòn ngập trong lau lách nữa thì đến đường điện 10 dây. Tên gọi đúng như số lượng sợi dây trần (không có lớp cách điện bên ngoài) có trên cột. Đi theo đường điện 10 về đến Thủy Phước tại nhà số 13 của ông Sở rồi đi ngược ra nhà tôi ở số 4. Đi vòng như thế xa gấp 3 lần.
Trường PTCS Hương Phong của tôi nằm chếch về phía bắc của mỏ A và hầu như không bị ảnh hưởng bởi những lần nổ bộc phá. Ấy vậy mà, chiều nọ, một hòn đá to gần bằng cái bát B52 xuyên qua mái tranh, rơi ngay vào khoảng trống giữa dãy bàn trên với bục giảng. Điểm rơi cách bạn ngồi gần nhất chưa đến 30 phân. Cũng rất nhiều đá vụn văng tới nữa. Hú hồn. Cả thầy và trò đều an toàn.
Tiếc thay, không phải lúc nào cũng may mắn như thế. Một buổi chiều định mệnh nọ, không xa ngày 1/6, sau một đợt nổ bình thường ở mỏ B, một người bạn của chúng tôi, một đội viên gương mẫu đã khép lại bao nhiêu niềm mơ ước và hoài bão ở tuổi 15...
Cơn đại hồng thủy năm 1999 đã xóa sạch nhà cửa tài sản của 8 gia đình ở khu vực mỏ đá A và B. Nghiêm trọng hơn, có đến hai người bị dòng nước bất ngờ từ trên cao ập xuống cuốn trôi. Cho đến hôm nay, một người vẫn còn mất tích.
Hàng chục năm nay, cả ba mỏ đá kể trên đều bị ngưng khai thác. Keo tràm xanh mướt mát ở những nơi đất được hoàn nguyên. Một thảm thực bì mới đang được tạo thành xóa đi những ký ức buồn. Đó đây vẫn có thể thấy những vách đá cao hàng chục mét lởm chởm rêu phong dưới ánh hoàng hôn.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.