Kẻ thù đáng sợ không ngại đổ máu để thách thức quyền cai trị của Taliban ở Afghanistan

Minh Nhật Thứ năm, ngày 23/09/2021 12:33 PM (GMT+7)
Các cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Đông Afghanistan đang thách thức sự cai trị của Taliban, theo WSJ.
Bình luận 0
Kẻ thù đáng sợ không ngại đổ máu để thách thức quyền cai trị của Taliban ở Afghanistan  - Ảnh 1.

Taliban tuần tra đường phố Kabul. Ảnh Getty

Một loạt cuộc tấn công của IS đã giết chết ít nhất 5 người ở tỉnh Nangarhar vào thứ Tư 22/9 sau các cuộc tấn công chết người vào cuối tuần nhằm vào lực lượng tuần tra của Taliban.

Đây là đợt bùng phát bạo lực mới nhất tại một khu vực mà chi nhánh trong khu vực của nhóm khủng bố khét tiếng trên toàn cầu đang thách thức sự kiểm soát của Taliban tại Afghanistan.

Các chiến binh IS đã thực hiện ít nhất hai vụ đánh bom và một vụ tấn công bằng súng hôm 22/9 ở Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangarhar. Theo người dân địa phương, trong vụ tấn công có ít nhất 2 chiến binh Taliban và một dân thường thiệt mạng. Nhóm Nhà nước Hồi giáo-tỉnh Khorasan hay ISIS-K -  đại diện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan - đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

ISIS-K đang cố gắng làm xói mòn chiến thắng của Taliban ở Afghanistan khi Taliban đang cố gắng củng cố chính phủ lâm thời của họ ở Kabul.

ISIS-K đã ra sức tận dụng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để tự định vị họ là phong trào thánh chiến cuối cùng còn lại của Afghanistan.

Kẻ thù đáng sợ không ngại đổ máu để thách thức quyền cai trị của Taliban ở Afghanistan  - Ảnh 2.

Một kẻ bị nghi là chiến binh IS ngồi bị bịt mắt trong xe của lực lượng đặc nhiệm Taliban ở Kabul, ngày 5/9. Ảnh: Reuters

Theo đó, nhóm này đã và đang áp dụng một chiến lược nhiều mặt để làm mất uy tín của Taliban. Bằng cách thực hiện các cuộc tấn công bạo lực, nhóm chiến binh này đã thách thức khả năng điều hành đất nước của lực lượng cầm quyền mới ở Afghanistan. ISIS-K cũng cố gắng làm giảm uy tín của Taliban bằng cách miêu tả họ là "cộng sự của Mỹ".

Taliban đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp ISIS-K và những người ủng hộ nhóm chiến binh này ở các tỉnh miền đông Afghanistan giáp biên giới với Pakistan. Mullah Neda Mohammad, một thống đốc tỉnh của Taliban, gần đây tiết lộ nói với truyền thông rằng, hơn 80 người đã bị bắt giữ ở tỉnh Nangarhar vì nghi ngờ có liên kết với ISIS-K.

Taliban được cho là đã giết khoảng 150 chiến binh ISIS-K, bao gồm cả cựu thủ lĩnh của tổ chức này là Abu Umar Khurasani.

Vào ngày 5/9 tại Kabul, Taliban đã giết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni rất có ảnh hưởng là Salafi Mullah Abu Obaidullah Mutawakil, vì một số lượng lớn học sinh của ông này thuộc ISIS-K.

Ngày 8 /9, Taliban đã ám sát Farooq Bengalzai, người đứng đầu ISIS-K ở tỉnh Balochistan thuộc Pakistan, khi hắn đang ở tỉnh Nimroz của Afghanistan.

Các chuyên gia an ninh tin rằng, ISIS-K có ý định làm mất uy tín của Taliban bằng mọi cách có thể.  

Kẻ thù đáng sợ không ngại đổ máu để thách thức quyền cai trị của Taliban ở Afghanistan  - Ảnh 3.

Cuộc tấn công đẫm máu tại sân bay Kabul vào ngày 26/8 do ISIS-K thực hiện. Ảnh: Reuters

Riccardo Valle, một nhà nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Venice, tập trung vào chủ nghĩa Hồi giáo bạo lực bình luận: “Chính phủ Taliban mới thành lập càng thể hiện sự nhượng bộ và ôn hòa để hòa hợp với mọi tầng lớp xã hội Afghanistan thì ISIS-K càng có cớ để tuyên truyền chống lại Taliban nhằm thu hút tân binh".  

"Những thành viên Taliban nghi ngờ các quyết định mang tính hòa giải hơn của Taliban có thể tìm thấy sự đồng cảm ở ISIS-K - nhóm mà ngày nay vẫn tuyên bố họ là người thừa kế hợp pháp của Osama bin Laden và Mullah Omar (người sáng lập Taliban đã qua đời)", ông Riccardo nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng ISIS-K có bề dày thành tích tuyên truyền cáo buộc Taliban "là con rối" của Pakistan và Mỹ.

Dự đoán trước sự tiếp quản của Taliban ở Afghanistan, Shahab al-Muhajir, thủ lĩnh mới của ISIS-K được bổ nhiệm vào tháng 5/2020 đã công bố một chiến dịch mới chống lại Taliban, chính quyền Kabul và Mỹ.

Với một nhóm nòng cốt khoảng 1.500 đến 2.200 chiến binh ở miền đông Afghanistan, ISIS-K đã thực hiện 115 cuộc tấn công từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 6.

“Taliban không có kinh nghiệm triển khai các hoạt động chống khủng bố để trấn áp mạng lưới các tế bào nhỏ của ISIS-K trải khắp đất nước", ông Riccardo cho biết.

Trong khi đó, các nước láng giềng, đặc biệt là Pakistan và Trung Quốc lại đang gây sức ép buộc lãnh đạo Taliban trục xuất các nhóm chiến binh, chẳng hạn như TTP và Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM), vốn từng giúp Taliban đánh chiếm các tỉnh phía bắc của đất nước.

“Nếu Taliban cố gắng hành động chống lại TTP hoặc ETIM vì áp lực từ bên ngoài, các nhóm này có thể hình thành liên minh với ISIS-K. Điều này càng gây khó khăn cho việc cai trị của Taliban", Khan, một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Nangarhar, người yêu cầu không nêu tên đầy đủ bình luận.


 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem