Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gia đình 3 thế hệ làm gốm
Cơ sở sản xuất gốm truyền thống của anh Nhật nằm gần Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, thuộc làng gốm truyền thống Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm.
Anh Nhật tâm sự: "Sinh ra và lớn lên cùng với làng gốm quê hương, nhưng vì thuở ấy nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn nên tôi chọn mưu sinh với nghề sửa điện thoại, sửa xe....
Anh Nhật, làng gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) giới thiệu 2 tác phẩm linh vật rồng cuộn bùng binh bằng gốm làm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.N.
Nhưng rồi dòng đời lại đưa tôi về với nghề gốm, ban đầu là làm thợ gốm cho một cơ sở ở Hội An. Đến giữa năm 2023, khi làng nghề đã hồi phục sau dịch Covid-19 thì tôi quay trở về với lò gốm của gia đình và trở thành thế hệ thứ 3 nối nghiệp của cha ông".
Theo anh Nhật, trước kia làng gốm Thanh Hà làm nhiều loại như: gốm men, gốm sành, gốm đỏ. Hiện nay, làng chỉ còn sản xuất chủ yếu dòng gốm đỏ với các sản phẩm dân dụng có trọng lượng và kích thước lớn, ít yêu cầu về thẩm mỹ nhưng tiện dụng cho sinh hoạt gia đình như: chum, vại, nồi, niêu đất, đồ trang trí nội thất.
Nhận thấy dòng gốm đỏ không còn được ưa chuộng, bán chậm và thu nhập thấp, nên anh chọn hướng đi mới là tạo ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ để phù hợp với xu thế, thích ứng với nhu cầu mới của thị trường và được khách du lịch yêu thích.
Hai vợ chồng anh Nhật có nhiều năm làm việc tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh gốm tại phố cổ Hội An, nên đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cũng như nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài nước.
Năm 2023, anh Nhật vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hội An và tích góp thêm vốn liếng để đầu tư lò nung gốm bằng điện có công suất cao hơn, thay thế cho lò nung bằng củi thủ công, giúp giảm ô nhiễm không khí và góp phần xây dựng nghề làm gốm truyền thống phát triển bền vững.
Cùng với đó, anh bắt đầu phát triển các dòng sản phẩm gốm tráng men, giúp sản phẩm làm ra thêm bắt mắt, sinh động và tươi mới. Đồng thời sử dụng bàn xoay gốm bằng điện thay cho bàn xoay thủ công để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường.
Thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng
Anh Nhật cho biết, ngày xưa làng nghề cũng có làm gốm tráng men, nhưng vì giá thành cao nên ít người làm và dần thất truyền. So với gốm đỏ phổ thông thì làm gốm men kỹ thuật khó và tinh tế hơn rất nhiều. Anh phải học hỏi cách làm ở nhiều nơi, từ những người làm gốm men ở Nhật Bản để nghiên cứu thêm, tự đúc kết cho mình những kinh nghiệm quý giá, tạo ra công thức riêng.
Chia sẻ khó khăn khi khôi phục dòng sản phẩm gốm tráng men, anh Nhật nói: "Hiện nay làng nghề sử dụng đất sét được lấy từ sông Thu Bồn, khi đem về phải làm sạch, nhào nặn nhiều lần mới thu được đất đủ tiêu chuẩn để làm gốm.
Điều đặc biệt để tạo ra một sản phẩm gốm tráng men đẹp là đất phải được loại bỏ sạch các tạp chất, nếu không lớp men sẽ không bám được, sau khi nung gốm không lên màu như mong muốn. Để khắc phục khó khăn này thì tôi vẫn đang tiếp tục thử nghiệm và nghiên cứu".
Hiện nay, sản phẩm chủ lực của cơ sở là bộ sản phẩm 12 con giáp, được khách hàng yêu thích và sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trung bình mỗi tháng xuất bán 1.000 con tò he, giá bán bình quân 30.000 đồng/con, mang lại thu nhập khoảng 25.000.000 đồng.
Chị Lưu Hương Thảo (36 tuổi) – vợ anh Nhật chia sẻ: "Sản phẩm tò he giữ nguyên màu gốm đỏ đã quá quen thuộc với du khách, vì vậy tôi khoác lên nó một chiếc áo mới bằng cách vẽ các đường nét hoa văn, chi tiết và tráng men đủ các màu sắc.
Khoảng 20 ngày sẽ hoàn thiện 50 bộ tò he 12 con giáp, những con tò he nhỏ bé, xinh xắn, màu sắc bắt mắt nên nhiều du khách thích thú, bán rất chạy. Để kịp các đơn hàng mùa cao điểm thì gia đình tôi phải tăng cường sản xuất cả ngày lẫn đêm".
Ngoài làm tò he gốm, anh Nhật còn được nhiều người biết đến là tác giả của những linh vật Tết bằng gốm. Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, anh nặn 2 sản phẩm rồng cuộn bùng binh gốm. Để hoàn thiện các tác phẩm này, anh đã mất hơn 1 tháng tỉ mỉ hoàn thiện nhiều công đoạn vất vả và công phu.
Anh Nhật chia sẻ: "Trong 12 con giáp thì rồng là linh vật khó tạo hình nhất vì nó là con vật trừu tượng, chưa ai thấy ngoài đời thực và chỉ thấy qua tranh ảnh. Khi tạo hình rồng, tôi tập trung nhấn vào các chi tiết ở phần đầu để tạo nên cái hồn của linh vật, toát lên vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền".
Cuối năm 2023, bộ sản phẩm 12 con giáp từ gốm của cơ sở sản xuất gốm truyền thống Lê Văn Nhật được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài ra, anh Nhật được UBND tỉnh xét tặng danh hiệu thợ giỏi vì đã có thành tích xuất sắc trong việc khôi phục, phát triển ngành nghề thủ công truyền thống gốm mỹ nghệ của tỉnh Quảng Nam.
"Là một người con của làng gốm truyền thống Thanh Hà, tôi trân trọng những giá trị tinh hoa nghề nghiệp mà cha ông đã tạo dựng và gìn giữ bao đời. Tôi đang nỗ lực đóng góp sức mình để phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của làng nghề, quảng bá hình ảnh, văn hóa xứ Quảng qua sản phẩm gốm truyền thống và nâng tầm giá trị, tìm thị trường ổn định cho sản phẩm của gia đình, quê hương", anh Nhật bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.