Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết

Lê Tấn Thời - GV trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, An Giang Thứ tư, ngày 14/08/2024 09:23 AM (GMT+7)
Dòng kênh này đã làm cho cuộc sống của người dân nơi đây có được cuộc sống ổn định và có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Đó là những cảm nhận về kênh T5, hay thường được gọi với cái tên thân thương là kênh Võ Văn Kiệt hay trân trọng hơn nữa là kênh Ông Kiệt.
Bình luận 0
Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Ảnh 1.

Với những lão nông tri điền ở An Giang thì những khó khăn của một thời đã qua luôn trong tâm thức họ với những trăn trở qua nhiều thế hệ. Những cánh đồng chết vì nhiễm phèn, trồng cây gì cũng không được, tôm cá vớt lên còn nồng nặc mùi hôi.

Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Ảnh 2.

Một góc kênh T5. Ảnh: Tấn Thời

Người dân chỉ biết làm lúa mùa, trông chờ vào mùa nước nổi để có được lúa gạo làm lương thực dự trữ. Không có nước ngọt thì khó mà giúp lúa có năng suất cao, dẫn đến việc khai khẩn ở đây thật sự muôn vàn khổ cực. 

Nhiều người phải "bỏ của chạy lấy người" khi không thể trụ được ở mảnh đất này vì ngoài việc đất bị nhiễm phèn thì đường sá, phương tiện giao thông cũng là vấn đề không nhỏ.

Câu chuyện Thoại Ngọc Hầu đào kênh luôn được các bậc ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu trong những lần họp mặt gia đình hay trong lúc trà dư tửu hậu. 

Chuyện kể rằng, năm 1817, theo lệnh triều đình, ông Nguyễn Văn Thoại dốc sức đào kênh Thoại Hà (kênh Núi Sập ) ăn đến cảng Rạch Giá.

Kênh này đưa nước sông Hậu mùa lũ lụt thoát mau ra biển, tạo điều kiện cho dân khai khẩn hai bên bờ, mở đường giao thông cho hàng hóa. 

Công trình quan trọng nhất với người dân vùng đất này là kênh Vĩnh Tế, cùng một chức năng như kênh Thoại Hà, đó là đưa nước sông Hậu vào mùa lũ lụt ra vịnh Xiêm La, nhưng ở về phía bắc, sát biên giới. 

Đào kênh xong, lại đắp đường nối liền từ Núi Sam ra Châu Đốc. Đường tương đối rộng, đắp cao để đề phòng lũ lụt, ngựa xe qua lại dễ dàng.

Từ bờ kênh, người dân khai hoang xẻ thêm nhiều rạch ngắn, gọi là "cựa gà" để vận chuyển hàng hóa ra bờ kênh. Nhiều làng mạc được thành lập hai bên dòng kênh mà dấu ấn còn mãi đến bây giờ như Vĩnh Tế, Vĩnh Gia,...

Dòng kênh do tiền nhân đào không chỉ đơn thuần là mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là vị trí trọng yếu về mặt quốc phòng. 

Thế hệ đi sau nghe ông bà, cha mẹ kể lại như một lời nhắc nhở rằng phải tìm ra phương thức để nối gót tiền nhân khai phá vùng đất hoang hóa này giúp cho con cháu ổn định cuộc sống và góp phần công sức bảo vệ Tổ quốc nơi vùng biên giới Tây Nam này.

Vào những ngày tháng 4 năm 1997, người dân xã Lạc Quới - huyện Tri Tôn - tỉnh An Giang vui mừng khi kênh T5 được khởi công, góp phần vào việc phát triển kinh tế và quốc phòng nơi vùng đất này. Để công trình này được khởi công, không thể không nhắc đến ông Sáu Dân - tên thường gọi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. 

Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Ảnh 3.

Những cánh đồng xanh tươi nhờ dòng nước kênh T5.

Theo lời kể của các bậc cha chú, ông đã cùng chính quyền địa phương, các nhà khoa học đến tận nơi để khảo sát, hỏi han tình hình làm ăn, sinh sống của người dân và chính xác hơn nữa là nghe được những trăn trở và nguyện vọng chính đáng của người dân để có được những chỉ đạo quyết đoán cho việc đào con kênh này.

Người dân vùng tứ giác Long Xuyên luôn nhớ đến ông với những chương trình trồng rừng 327, chương trình thủy lợi, giao thông, nhà ở - dân cư, đặc biệt là chương trình thoát lũ ra biển Tây mà trong đó có hệ thống kênh T4, T5. 

Những chỉ đạo cụ thể, những chia sẻ thắm tình đầy tính nhân văn cao thượng mà gần gũi, đơn giản lại sâu sắc. Ngay khi con kênh T5 thoát lũ ra biển Tây hoàn thành, dân đã gọi đó là "Kênh ông Kiệt".

Mỗi hạt gạo làm ra hôm nay đều mang nặng ân tình của ông Sáu vì dân, người đã về cõi vĩnh hằng nhưng để lại phía sau những cánh đồng mênh mông xanh thẳm, mỏi cánh cò bay. 

Vị cố Thủ tướng xuất sắc này là một nông dân đầy đủ hàm nghĩa của mỹ từ này. Bởi không chỉ dành phần lớn cuộc đời mình lo cho nông dân, mà chính nhân cách, đạo đức của ông luôn chân chất, rạch ròi và rộng lượng như người nông dân Nam Bộ chính hiệu.

Ông bắt đúng mạch những đòi hỏi của cuộc sống và có những quyết sách mang tầm chiến lược. Khi quyết định công trình thoát lũ ra biển Tây, ông phải vượt qua không biết bao nhiêu ý kiến phản biện của không ít nhà khoa học trong và ngoài nước vì dám đụng đến "túi phèn" nơi vùng đất này. 

Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với việc mình làm đó là tính cách của một ông cố Thủ tướng vì dân từ sự năng động, quyết liệt và mới mẻ trong dòng tư duy gắn liền với nhịp đập của một trái tim lớn theo nhịp đập của đất nước, được tiếp năng lượng từ nguồn mạch dân tộc và thời đại.

Sông rạch đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân nơi đây. Nước là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất về địa hình và liên quan đến lối sống, ẩm thực, phong tục tập quán, việc làm ... của người dân. 

Tính cách văn hóa xuất hiện ở những vùng sông nước chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của con người nơi đây. Người dân nơi đây đã biết khai thác tối đa những lợi thế của thiên nhiên và cải tạo nó để phục vụ cho đời sống của chính mình. 

Kênh T5 được khơi thông dòng chảy, rửa phèn vùng Tứ giác Long Xuyên, làm tăng thêm diện tích canh tác. Dòng nước ngọt lành lan tỏa vào nội đồng, khơi nguồn sức sống mới và đánh thức tiềm năng vùng đất rộng lớn để rồi dần dần người tứ xứ về đây khai khẩn, lập nghiệp tạo nên cuộc sống mới.

Những thói quen sinh hoạt, lối sống, ứng xử thể hiện trong tư duy người dân khi hiểu được về hệ sinh thái cuộc sống nơi đây để có được một chiều sâu nhận thức và tình cảm để đón nhận mọi điều đến và đi trong cuộc đời và hướng về tương lai phía trước. Không gian tự nhiên của vùng đất được cải tạo làm nên không gian xã hội và không gian tâm tưởng của con người.

Công trình kênh T5 hình thành góp vai trò quan trọng trong việc trữ nước ngọt, chống hạn hán cho vùng Tứ giác Long Xuyên, kéo theo hệ thống giao thông, điện, nước đã giúp phát triển nông thôn mới. Bà con nơi đây đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tăng giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, tăng diện tích trồng màu bên cạnh việc trồng lúa. 

Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Ảnh 4.

Tác giả bên dòng kênh T5.

Người dân từng bước áp dụng công nghệ cao nhằm nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Thực hiện các mô hình sản xuất như "Cánh đồng lớn", chương trình "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" tăng lợi nhuận cho nông dân. 

Từng bước đưa nông nghiệp đi vào chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm có đầu ra ổn định. Tiếp tục duy trì phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và trang bị máy móc, thiết bị để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường dần dần được nâng cao khi bà con nông dân thường xuyên nạo vét kênh mương, duy tu sửa chữa nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn, nội đồng.

Dòng kênh T5 đã tạo nên một tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Nước là sự vận động, biến đổi; Đồng ruộng là nơi canh tác lao động để tạo nên. 

Nhà là sự ổn định và yên bình của gia đình. Mỗi lần có dịp đến xã Lạc Quới - huyện Tri Tôn- tỉnh An Giang, tôi luôn có suy nghĩ như thế bởi tính hiện thực và nhân văn của dòng kênh mang tên vị cố Thủ tướng vì dân.

Kênh Ông Kiệt, dòng kênh tạo nên tam giác của sự sống nơi vùng đất chết - Ảnh 5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem