Đi tìm những "làng quê đáng sống": Ngắm ngôi làng toàn biệt thự, người dân phần lớn đi nước ngoài (Bài 5)
Đi tìm những "làng quê đáng sống": Ngắm ngôi làng toàn biệt thự, người dân phần lớn đi nước ngoài (Bài 5)
Thắng Tình - Tập Thỏa
Thứ sáu, ngày 02/08/2024 06:04 AM (GMT+7)
Dòng kiều hối từ lao động ở nước ngoài đổ về thực sự làm thay da, đổi thịt những vùng quê nghèo ở dải đất miền Trung, biến nhiều làng quê thành nơi đáng sống. Nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, có vùng quê nay thành phố biệt thự, trông chẳng khác gì những đô thị hiện đại ở các thành phố lớn.
Nếu lựa chọn "nhà cao cửa rộng, xe sang" là một trong những tiêu chí đáng sống, thì dọc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh không khó để bắt gặp nhiều ngôi làng tỷ phú với những "biệt thự" nguy nga, tráng lệ, ô tô "xịn" đỗ cửa.
Thế nhưng, trong những ngôi biệt thự lại thường xuyên thiếu vắng người chủ thực sự - những người lao động để xây dựng nên ngôi nhà khang trang ấy. Họ vẫn đang mải miết bôn ba nơi xứ người, để lại quê nhà cha mẹ già và những đứa con thơ luôn mong ngóng bố mẹ trở về. Từng đồng tiền từ mồ hôi, công sức được họ gửi về để xây dựng nên những miền quê siêu giàu, đáng sống.
Biệt thự san sát làng quê, một xã có hơn 2.000 người ở nước ngoài lao động
Đứng trên chiếc cầu nối kênh Vách Bắc nằm ở trung tâm xã Đô Thành (huyện Yên Thành - Nghệ An) dõi mắt về những ngôi làng phía xa, bất cứ ai cũng có cảm giác choáng ngợp trước khung cảnh nên thơ với những căn biệt thự được mọc san sát, đường xá được trải nhựa phẳng lì, đan xen nhau như "tác phẩm" của một dự án quy hoạch đô thị bài bản.
Ít ai biết rằng, trước đây vùng quê này cũng chỉ là những cánh đồng chiêm trũng, cái ăn chỉ trông chờ vào đôi ba sào ruộng khoán. Nghề mộc vốn nổi tiếng của làng cũng dần mai một khi thị trường ngày càng cạnh tranh "gắt".
Những năm đầu thập kỷ 90 một số người ở xã Đô Thành bắt đầu đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ba Lan, Nga... Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm trong quá trình làm việc họ bắt đầu có thu nhập gửi về cho gia đình.
Từ đó, những căn nhà kiên cố, những ngôi biệt thự bắt đầu mọc lên. Vùng quê nghèo chuyển mình khoác một tấm áo mới với những căn nhà theo thiết kế hiện đại. Những căn biệt thự long lanh ấy trở thành niềm mơ ước của biết bao nhiêu người, kéo theo là phong trào đi xuất khẩu lao động bắt đầu rầm rộ.
Tại xã Sơn Thành, hệ thống điện, đường, trường trạm cũng được xây dựng khang trang, hiện đại. Vùng quê được "đô thị hóa" biến nơi đây thành làng quê đáng sống với những căn nhà khang trang. Xã Sơn Thành cũng là một trong những xã Nông thôn mới kiểu mẫu ở Nghệ An.
Thế nhưng, khác với tượng tượng của nhiều người, tại những làng quê đáng sống ấy, các con đường không quá tấp nập. Từng dãy biệt thự vẫn thưa người. Ở đó đa số là người già và trẻ em ra vào. Lực lượng lao động chính đang đi xa. Nhiều gia đình bố, mẹ làm việc ở nước ngoài nên các con ở nhà với ông bà. Phần trọng trách chăm sóc, dạy dỗ lớp trẻ lại nhờ cậy cả vào ông, bà. Cả gia đình chỉ đoàn tụ online qua các cuộc gọi trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Sáu – Chủ tịch UBND xã Sơn Thành, huyện Yên Thành chia sẻ, đó cũng là một thực tế buộc phải chấp nhận. Khi bố mẹ đi làm ở nước ngoài con cái giao cho ông bà chăm sóc, dạy dỗ. Dù biết rằng sự quan tâm, dạy dỗ từ bố mẹ là điều rất cần thiết với trẻ nhỏ, đặc biệt trong những độ tuổi nhạy cảm về tâm lý; chưa kể một lượng lớn lao động làm việc ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tại địa phương... "tuy nhiên đó là lựa chọn của mỗi gia đình, chúng tôi không thể can thiệp" - ông Sáu cho hay.
Xã Sơn Thành hiện có hơn 2.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, lao động ở nước ngoài gửi về từ 300 đến 400 tỷ đồng. Hàng năm, địa phương cũng kêu gọi con em về quê nhà đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ thế, một số nhà máy gia công, chế biến được xây dựng trên địa giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho lao động tại địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đạt được những kỳ vọng mà địa phương đề ra.
Trên phố biệt thự nối giữa xã Đô Thành, huyện Yên Thành và xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu cũng chỉ tấp nập vào những dịp lễ, Tết khi người lao động trở về quê hương. Ngày thường các con đường vẫn thưa người qua lại. Chỉ tính riêng xã Đô Thành hiện đang có khoảng 2.500 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Vì thế chuyện những căn nhà khang trang đang vắng bóng người cũng là điều dễ hiểu.
Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành cho biết, người lao động ở nước ngoài chủ yếu gửi tiền về đầu tư vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Để có những nguồn đầu tư lớn, tập trung tạo công ăn việc trên địa bàn thì chưa nhiều. Địa phương cũng kỳ vọng con em sau khi làm việc tại nước ngoài, tích lũy được vốn sẽ trở về quê hương đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Nhiều năm qua, huyện Yên Thành được biết đến là nơi có lực lượng lao động đang làm việc tại nước ngoài nhiều nhất ở Nghệ An. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Danh Truyền – Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, theo thống kê sơ bộ toàn huyện có khoảng 22.000 đến 23.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Mỗi năm dòng kiều hối về địa phương hơn 200 triệu USD.
Không riêng xã Đô Thành và Sơn Thành, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực kêu gọi con em đang làm việc tại nước ngoài trở về địa phương đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương của mình. Qua đó, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, để quê hương thực sự trở thành những vùng quê đáng sống.
Về ngôi làng, ra ngõ gặp... tỷ phú
Cũng giống các ngôi làng ở Nghệ An, xã Cương Gián (huyện Nghị Xuân - Hà Tĩnh) được mệnh danh là "làng tỷ phú" nhờ xuất ngoại - nơi có hàng nghìn nhà lầu nằm san sát nhau, ô tô sang đậu đầy sân.
Cận cảnh làng tỷ phú ở Hà Tĩnh. Clip: Tập Thỏa
Trước đây, xã Cương Gián vốn là làng chài nghèo ven biển. Không được thiên nhiên ưu đãi, người dân quanh năm lam lũ bằng nghề đánh bắt thủy sản, cuộc sống bà con không mấy khá giả.
Từ những năm 1995-1998, làn sóng lao động nước ngoài bắt đầu khi một số thanh niên quyết tâm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức... để làm việc, mong được đổi đời. Có hiệu quả, họ rủ thêm người thân, anh em cùng xuất ngoại làm việc.
Đến những năm 2000, khi người lao động quen với môi trường và công việc ở nước ngoài, họ gửi tiền về điều đặn, xây nhà cửa khang trang cho bố mẹ ở quê. Lúc này, rất đông thanh niên ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân và những địa phương lân cận ồ ạt đi xuất ngoại làm việc.
Nhờ tiền người đi xuất khẩu lao động gửi về đã khiến bộ mặt quê hương đổi thay. Những con đường đất khi xưa nay đã được thảm nhựa, bê tông, hàng nghìn ngôi nhà cao tầng, khang trang sat sát nhau, ô tô đậu đầy sân. Du khách khi tới đây cứ ngỡ đang lạc vào thành phố của một nước phát triển nào đó.
Ông Nguyễn Văn Hồng (trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián), tự hào nói: "Vợ chồng tôi có 5 người con, thì 4 đứa đi nước ngoài làm việc, cuộc sống gia đình khá giả hẳn hơn. Các con đi lao động xa nên vợ chồng chúng tôi ở quê chăm sóc và nuôi dạy các cháu".
Theo ông Hồng, trước đây địa phương ông chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống bấp bênh, kinh tế khó khăn. Nay nhờ con, cháu đi xuất ngoại làm việc đã khiến cuộc sống của họ sang trang.
Từ đây xã Cương Gián được gọi với cái tên là "làng tỷ phú" hay "làng xuất ngoại" bởi số lao động của địa phương này tại nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn người lao động tại địa phương. Do thanh niên quyết tâm làm giàu nơi "đất khách", làng quê nay chỉ còn các gia đình ông bà lớn tuổi ở nhà chăm cháu.
Ông Nguyễn Văn Hồng cho hay: "Những năm 2000, chúng tôi có hơn 700 thuyền để đánh bắt cá nhưng nay chỉ còn hơn 100 chiếc. Đa số người trong độ tuổi lao động đi nước ngoài, kinh tế khấm khá hơn nhưng nay chỉ còn người già và trẻ em sinh sống. Dù được sống trong ngôi nhà khang trang, cuộc sống sung túc nhưng gia đình ít khi đoàn tụ, làng quê vắng vẻ".
Cùng chung hoàn cảnh trên, vợ chồng ông Trần Văn Thanh (trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián) cũng đang chăm sóc cháu, con ông đang làm việc tại nước ngoài.
"Nghề biển bấp bênh, thu nhập kém nên đa số những người trong độ tuổi lao động ở quê tôi đều chọn con đường đi nước ngoài làm giàu. Nhiều gia đình đi cả vợ chồng, họ gửi con cái lại cho ông bà chăm sóc, hàng tháng gửi tiền về nuôi cháu.
Khi có kinh tế, họ không chỉ gửi tiền về chỉ để chăm sóc con mà nhiều gia đình góp tiền xây khu vui chơi cho trẻ em trong xóm ra chơi cùng. Thỉnh thoảng gửi tiền đóng góp xây dựng quê hương, liên hoan tạo tinh thần đoàn kết giữa các hộ dân", ông Thanh nói:
Người dân Cương Gián nói vui rằng, cứ 10 người thì có đến 8 người muốn đi nước ngoài làm việc bởi vì đồng lương bên đó cao, cố gắng "cày cuốc" nơi xứ người ít năm rồi mai này về quê hương khởi nghiệp. Chỉ có những người vì điều kiện sức khỏe hoặc lý do cá nhân mới không chọn nước ngoài để lao động.
Tại thôn Tân Thượng (xã Cương Gián), ông Chu Quang Vinh, Trưởng thôn cho biết: "Ở địa phương thanh niên ít người học lên đại học mà đa số chỉ học hết THPT rồi tham gia lao động tại nước ngoài.
Thôn Tân Thượng có 156 hộ với 679 người, trong đó có hơn 150 người lao động ở nước ngoài (tuổi từ 18 đến hơn 40). Thanh niên và người lao động đi làm ăn xa quê, hiện chỉ còn các ông bà ở nhà chăm nom nhà cửa và chăm sóc cháu".
Ông Chu Quang Vinh tâm sự: "Từ ngày có phong trào đi xuất khẩu lao động, quê hương đổi thay, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. Các ông bà không thể thay bố mẹ dạy dỗ các cháu được một cách đầy đủ, vẫn có một số trường hợp thanh niên không nghe lời ông bà mà trở nên hư hỏng, đó thực sự là điều đáng tiếc".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: "Hiện nay, toàn xã có hơn 15.000, trong đó có hơn 3.000 người (từ 19 đến 50 tuổi) đang làm việc tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ… Do nhiều người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại nước ngoài nên hiện tại ở địa phương đa số là người già và trẻ nhỏ.
Sau khi có kinh tế, bà con lao động ở nước ngoài hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, tham gia nhiều chương trình thiện nguyện và phát triển nhiều ngành nghề tại quê nhà. Hiện nay, bà con xây nhiều ngôi nhà cao tầng, mua sắm ô tô góp phần thay đổi diện mạo quê hương".
"Vẫn biết còn nhiều bất cập, trăn trở ở địa phương, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phổ cập kiến thức pháp luật lồng ghép trong các cuộc họp, đối thoại, ngày đại đoàn kết … để tăng tính đoàn kết, xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương. Đồng thời, cũng trợ giúp người lao động chấp hành tốt về pháp luật của Việt Nam và đất nước sở tại, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình" - ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.