Hình thành nhiều vùng sản xuất chất lượng
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi theo kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đề án phát triển chăn nuôi, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản…
Khách đến tham quan điểm trưng bày nông sản sạch tại hội nghị. Ảnh: N.l
"Thành phố sẽ bố trí vốn đầu tư từ ngân sách cho dự án, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn".
Ông Nguyễn Văn Sửu –
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội
|
Đáng chú ý Hà Nội đã được hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung: 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm kết nối, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm. Hàng năm Sở Công Thương đều đưa một số doanh nghiệp phân phối xuống trực tiếp một số vùng sản xuất của các huyện để hướng dẫn cho các HTX, hộ nông dân... cách bảo quản, thu mua, sơ chế, đóng gói, dán tem, nhãn mác, đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại.
Nhiều nông sản đã vào được các kênh phân phối hiện đại như: Thịt lợn của vùng sản xuất Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ... được tiêu thụ qua Công ty cổ phần CNTP Vinh Anh, Công ty CP Thực phẩm Nam Hà. Sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm của vùng sản xuất huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn được các Công ty Minh Hiền, Tiên Viên, Ba Huân... tiêu thụ, chế biến.
Gỡ khó tiêu thụ nông sản
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân Thủ đô, vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư và sản xuất nông nghiệp; chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ...
Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp chỉ đạt 30%; công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; Kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu của thị trường dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong công tác tiêu thụ...
Ông Nguyễn Văn Mạnh - đại diện HTX Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội về bưởi tôm vàng cho biết, hiện tại, đặc sản bưởi tôm vàng ở HTX còn mắc những khó khăn lớn đó là về vấn đề thời tiết không thuận lợi, rất cần các chuyên gia tư vấn; cũng như tình hình tiêu thụ bưởi còn nhỏ lẻ, chủ yếu cho người dân và HTX phân phối qua các đầu buôn nhỏ, chưa đưa sản phẩm vào các siêu thị hay các nhà cung cấp lớn. Ông Mạnh kiến nghị các nhà khoa học cần tập trung bảo tồn nguồn gene quý hiếm này và có các chương trình chuyển giao KHKT cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.