Liên kết sản xuất tiêu thụ, đưa nông sản sạch về Thủ đô

Đình Thắng Thứ tư, ngày 27/12/2017 11:51 AM (GMT+7)
Tăng cường liên kết với các địa phương vệ tinh, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân liên kết phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhân rộng các chuỗi siêu thị… là những cách làm hiệu quả của Hà Nội nhằm mục tiêu tăng nguồn cung, đồng thời bảo đảm nông sản về với Thủ đô thực sự an toàn.
Bình luận 0

Hợp tác để phát triển sản xuất

Hà Nội là một trong những thành phố có nhu cầu lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm. Ngoài 10 triệu người đang cư trú thường xuyên, trung bình hàng năm Hà Nội còn đón thêm khoảng 20 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ mới đáp ứng được từ 40 – 60% nhu cầu. Mặt khác, do điều kiện thời tiết nên sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chỉ được cung cấp theo mùa, vì thế Hà Nội rất cần mở rộng hợp tác liên kết với các tỉnh, thành để đưa nông sản sạch về tiêu thụ.

img

 Người dân Thủ đô chọn mua nông sản đặc sản các tỉnh thành tại một hội chợ diễn ra tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.  Ảnh: I.T

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 2 chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); đồng thời  UBND thành phố cũng chỉ đạo công an thành phố, Sở GTVT tổ chức phân luồng giao thông, tạo điều kiện tốt nhất đưa nông sản an toàn về với Hà Nội... 

Ông Tạ Văn Tường

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, hiện thành phố đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (ATTP) từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ và tiêu thụ, xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận... 

Hoạt động sản xuất rau an toàn từng bước cũng đã được kiểm soát, diện tích sản xuất rau an toàn đạt 5.300ha, trong đó 224ha rau VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ.

Để việc trao đổi hàng hóa thuận tiện, theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố: “Các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất cần tăng cường liên kết, trao đổi thông tin. Phải tạo điều kiện để gắn kết, giảm khoảng cách giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ”.

Giám sát chặt chất lượng nông sản

Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh, các đơn vị chuyên ngành của TP.Hà Nội đã tiến hành lấy 2.587 mẫu nông lâm thủy sản, qua đó đã phát hiện 115 mẫu vi phạm, chiếm 4,5%. Đối với các mẫu vượt ngưỡng có nguồn gốc của các tỉnh, các chi cục chuyên ngành của Hà Nội đã thông báo kịp thời cho chi cục các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng, ATTP cung cấp cho người tiêu dùng.

Công tác thanh tra, kiểm tra công tác ATTP cũng được TP.Hà Nội đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, việc kiểm soát chất lượng nông sản cần được Hà Nội tiếp tục quan tâm, làm tốt. 

Nhấn mạnh việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố “đã làm khá nhưng chưa thể hài lòng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đề nghị trong thời gian tới Sở NNPTNT, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên kết. Không chỉ tăng về số lượng, mà còn cần phải bảo đảm nông sản về với Thủ đô “thực sự an toàn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem