|
Ông Võ Trí Thành |
NTNN trao đổi với TS Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư.
Trong những ngày qua, tỷ giá liên ngân hàng biến động không ngừng, điều này cho thấy nguy cơ giá trị đồng tiền Việt lại tiếp tục sụt giảm. Nguyên nhân có phải do Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được mua bán vàng trên tài khoản, mà vàng với USD liên thông với nhau nên USD tăng giá?
- Sự tăng giá của USD trên thị trường, kể cả liên ngân hàng lẫn thị trường tự do không phải là điều gì quá bất ngờ vì áp lực trên thị trường ngoại hối do mất giá đồng VN vẫn cao. Nó liên quan cả đến câu chuyện vàng hóa trong nền kinh tế, nhu cầu nhập vàng gắn với một số chính sách điều tiết mới đối với một số ngân hàng thương mại trong việc tạo ra sự liên thông giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
Nhìn tổng thể, áp lực đối với nền kinh tế vẫn còn cao khi lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, đồng nghĩa với việc giá trị đồng tiền VN sẽ ngày một lao dốc.
Lý do thứ 2, mặc dù thâm hụt cán cân thương mại VN dù đã được thu hẹp nhưng vẫn còn rất lớn. Một lý do nữa là sự chênh lệch giữa huy động và cho vay bằng đồng USD. Lãi suất vay đồng USD đã cao hơn nhiều so với huy động, cùng với đó là áp lực của cả vòng xoáy giá vàng... Tất cả những vấn đề trên là gánh nặng gây áp lực lớn lên giá trị đồng VN. Bởi thế, nguy cơ giá trị đồng tiền VN tiếp tục mất giá là rất lớn
Từ nay đến cuối năm, điều các doanh nghiệp và nhiều người dân quan tâm là liệu mức độ ổn định của tỷ giá như thế nào? Liệu có giải pháp gì giúp thị trường này ổn định dù chỉ là tương đối?
- Tất nhiên mức độ dao động tỷ giá, nói cách khác là sự ổn định của thị trường ngoại hối còn tùy thuộc vào khả năng ứng xử của chúng ta trước những áp lực nói trên. Trong đó, có nhiều vấn đề liên quan đến thương mại, câu chuyện thông thương và minh bạch hóa giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới, khả năng xử lý lợi tức trong việc gửi và huy động tiền đồng và USD...
|
Lãi suất vay “hạ nhiệt” tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. |
Nhưng có một điểm rất căn bản mà chúng ta có thể xử lý được tương đối ổn vấn đề này khi và chỉ khi chúng ta làm được hai việc: Thứ nhất là kéo được mức lạm phát xuống thấp. Thứ hai là trong một chừng mực nhất định, chúng ta phải có cách thức để huy động nguồn vốn từ bên ngoài mà phải là những nguồn vốn ít rủi ro.
Và nếu nhìn cả hai khía cạnh ấy đồng thời kết hợp với những chính sách khác thì không phải chúng ta không có khả năng làm được điều mong muốn là: Có thể đồng VN mất giá nhưng ở mức độ chấp nhận được, không quá xáo trộn và ảnh hưởng tới việc ổn định kinh tế vĩ mô, không quá xáo trộn đối với đời sống và hoạt động kinh doanh.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 15.10 được Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng 20 đồng so với một ngày trước, lên mức 20.708 đồng/USD (trong 3 ngày 13, 14 và 15.10 đã tăng liên tiếp 3 lần với tổng mức tăng là 40 đồng. Trần tỷ giá tại các ngân hàng là 20.915 đồng/USD.
Hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn cả về đầu vào và đầu ra, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Theo ông đâu là giải pháp để doanh nghiệp thích ứng với khó khăn một cách hiệu quả?
- Nói vậy không có nghĩa là doanh nghiệp không có những lối thoát để giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu tổn thất, thậm chí có cả khả năng có lợi nhuận. Điều cần tránh nhất hiện nay là lao vào vòng xoáy đàm phán tăng giá, mà cơ bản là thà giảm khối lượng, kích cỡ sản phẩm còn hơn là cứ tăng giá mãi.
Đồng thời phải có cái nhìn mới về huy động vốn. Chính phủ đang cố gắng tạo ra những chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để giúp các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận vốn thuận lợi hơn, có thể tiếp cận được các dòng vốn ODA và những hỗ trợ từ Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
An Bình - Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.