Kéo lãi suất xuống

Thứ bảy, ngày 07/08/2010 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày nay có lẽ ai cũng biết lãi suất hay tiền lời là chi phí do người vay (khách nợ) trả cho người cho vay (chủ nợ). Tuy nhiên, lãi suất ở ta đang là vấn đề nóng vì quá cao, doanh nghiệp làm ăn chân chính gần như không với tới.
Bình luận 0

Lãi suất có thể thay đổi tùy đối tượng và thời gian. Trong nền kinh tế của ta hiện nay, ngoài hệ thống ngân hàng còn có nhiều cá nhân, tổ chức khác (không hợp pháp) cho vay tính theo ngày, tuần, tháng theo yêu cầu của người vay. Chính do nhu cầu, đôi khi rất cấp bách của người vay mà người cho vay trở nên những “đao phủ” cho vay nặng lãi. Ngân hàng được lập ra có làm thay đổi được cả hệ thống cho vay không chính thức, không hợp pháp này.

Tuy nhiên, lãi suất ở ta đang là vấn đề nóng vì quá cao, doanh nghiệp làm ăn chân chính gần như không với tới. Mức lạm phát đang được cố gắng kìm hãm ở mức 7% trong khi lãi suất cho vay theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nếu tính hết các loại phí phải trả cho ngân hàng đã lên đến 16-18%/năm! Với lãi suất đầu vào như thế trong khi lạm phát ở mức thấp, tạo một lãi suất thực trên 10%, liệu có doanh nghiệp nào có khả năng tạo đủ lợi nhuận để gánh lãi suất này.

Lãi suất là một công cụ gần như hàng đầu của Ngân hàng Trung ương để điều tiết tín dụng và chỉ có Ngân hàng Trung ương mới đủ khả năng sử dụng hiệu quả công cụ này, chứ không thể kêu gọi kêu gọi ngân hàng hạ lãi suất suông. Lãi suất cao thông thường có nghĩa là tín dụng khan hiếm và ngược lại.

Muốn lãi suất hạ xuống thấp, Ngân hàng Trung ương phải có biện pháp tạo nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng với lãi suất thấp hay tạo điều kiện để ngân hàng sử dụng cao hơn tỷ lệ tiền huy động được.

Cụ thể Ngân hàng Trung ương cần vận dụng các công cụ sẵn có như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở để tiếp vốn cho các ngân hàng mới có khả năng kéo lãi suất xuống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng vốn ngân hàng. Biện pháp hành chính không thể phát huy tác dụng.

Có thể nói hệ thống ngân hàng của ta còn non trẻ nên không thể xử lý mạnh ngân hàng vi phạm quy định đối với hệ thống. Trên nguyên tắc, không nên để ngân hàng phá rào, dù ngân hàng nhỏ vì như thế sẽ tạo khó khăn cho nhiều ngân hàng khác như hiện nay.

Thanh tra ngân hàng phải làm nhiệm vụ thường xuyên và nếu phát hiện ngân hàng nào vi phạm phải xử lý dứt khoát. Trong hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ chẳng hạn, hàng năm có hàng trăm ngân hàng phá sản nhưng lợi ích và quyền lợi của người gửi tiền được Công ty Bảo đảm tiền gửi và Ngân hàng Liên bang Khu vực bảo đảm.

Do quá nhạy cảm trong hoạt động ngân hàng mà nhiều ngân hàng được đặt dưới sự giám sát đặc biệt, tránh cho ngân hàng nào phá sản. Nếu còn e dè với tình trạng phá sản bất kỳ một ngân hàng nào thì cũng cần phải có những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với vi phạm quy định của ngành để răn đe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem