Kết những cột mốc thành lá chắn biển

Thứ sáu, ngày 17/06/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam. Thế nhưng, việc hướng ra biển, phát triển kinh tế biển hiện vẫn còn manh nha về chủ trương.
Bình luận 0

Cần hiện đại hoá ngành khai thác

Từ năm 2005, chỉ riêng đội tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ của quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã lên tới con số 250 tàu/ 2.000 tàu của toàn thành phố. Năng suất của đội tàu này lại luôn chiếm trên 50% sản lượng đánh bắt của địa phương. Thế nhưng, chỉ sau vài trận bão lớn trên biển và "bão giá" trên đất liền, đội tàu hùng mạnh ấy chỉ còn con số hàng chục. Và tất nhiên, năng suất cũng theo đó mà sụt giảm đáng lo ngại.

img
Ngư dân cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền.

Một thực tế đáng quan ngại hiện nay, là hầu hết những con tàu còn "trụ" lại để bám biển, lại lâm vào cảnh nợ nần ngân hàng. Thậm chí là chủ tàu vay nóng với lãi suất cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ nằm bờ hoặc bán tàu. Nếu xem những ngư dân, những con tàu vươn khơi, hiện diện đều đặn, rộng khắp trên vùng biển của mình là biện pháp hữu hiệu để khẳng định chủ quyền và tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất thiết phải có sự tiếp sức từ đất liền, Chính phủ.

"Đại ngư dân"- thuyền trưởng Lê Nam (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) đã "tổng hợp" kiến nghị của các đồng nghiệp và đề xuất rằng: "Trước mắt, nếu chưa có đủ điều kiện, nguồn lực để hỗ trợ ngư dân như những dự án cho vay, đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ như trước đây, thì Nhà nước nên tổ chức các đội tàu hậu cần đủ mạnh để tiếp sức ngay trên biển.

Việc tiếp nhiên liệu, nước ngọt, mua hải sản... ngay trên biển sẽ thúc đẩy việc khai thác hiệu quả hơn, tiết kiệm được chi phí cho nhiều đoàn tàu. Hoặc, Nhà nước có thể kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ này, tạo cơ chế thông thoáng, cụ thể cho họ hoạt động.

Thực tế, đã có dịch vụ tương tự như vậy trên biển, nhưng người thu mua, bán nhiên liệu trên biển là các đối tác... Trung Quốc, nên ngư dân không mặn mà kết hợp với họ".

Đề xuất này của ông Lê Nam làm tôi nhớ đến ý kiến của ông Huỳnh Vạn Thắng -Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng cách đây hơn 5 năm. Chính cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương đã đưa ra kiến nghị sát thực tiễn này, song không hiểu vì lý do gì, nguyện vọng chính đáng ấy của ngư dân đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nối biển và bờ

Trong một cuộc trao đổi mới đây với tôi, đại tá Phạm Duy Tam - cựu sĩ quan Hải quân VN, tâm sự: "Từ cổ chí kim, người dân luôn luôn là người lính đúng nghĩa trên các mặt trận. Trên biển tức là ngư dân. Hơn lúc nào hết phải động viên ngư dân ra khơi, bám biển. Trên đất liền tìm ngay các giải pháp hữu hiệu để tiếp sức, bảo vệ họ”.

Ông Tam nguyên là thuyền trưởng 675, Đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển, nguyên Phó Tư lệnh Vùng C năm 1994-1999, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam (năm 2004), là một trong số những quân nhân đầu tiên tham gia kéo cờ quân giải phóng trên đảo Trường Sa năm 1975.

Nếu muốn xem "mỗi con tàu cá là một cột mốc ngoài biển khơi, mỗi ngư dân là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo..." thì trước hết, phải hỗ trợ thiết thực để họ "đủ sức" duy trì sự có mặt trên biển Đông.

Ông kể lại, Đà Nẵng vừa được giải phóng ngày 29.3 thì được Quân uỷ Trung ương chọn làm căn cứ, lập sở chỉ huy để mở hướng tiến công giải phóng Trường Sa. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo trong các bức điện cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân - đại tá Hoàng Hữu Thái - chỉ huy chiến dịch.

Từ ngày 9.4.1975, biên đội Đoàn tàu không số của ông Tam gồm 3 chiếc tàu giả dạng, rời cảng Hải Phòng để thần tốc vào đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng lúc 21 giờ ngày 10.4. Và chỉ trong 1 ngày tiếp nhận lương thực, phương tiện, vũ khí rồi thẳng tiến ra đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa).

Ngày 14.4, bộ đội giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Với chiến công đầu tiên này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến công, giải phóng 5 đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, đảo Lớn Trường Sa và An Bang cho đến ngày 29.4.1975. "Giải phóng Trường Sa, nếu để chậm trễ, mất thời cơ, Trung Quốc sẽ lợi dụng chiếm đóng mất đảo thì chúng tôi có tội với tổ tiên, ông cha, với muôn đời con cháu, các thế hệ người Việt mai sau”.

Ông Tam kể lại, chỉ 2 ngày sau, các biên đội tàu của Trung Quốc đã tiến vào các đảo Trường Sa, nhưng lúc ấy thấy cờ giải phóng của chúng ta đã phấp phới trên trời cao nên họ gửi điện chúc mừng. Ý đồ chiếm đóng các quần đảo VN của Trung Quốc đã có từ lâu đời. Song do từng giai đoạn lịch sử, cách ứng xử của Nhà nước, quân đội ta có lý do thích hợp khác nhau.

“Riêng thời điểm này, theo tôi cần đổi mới tuyên truyền. Phải cho thế hệ con cháu biết rõ chủ quyền biển đảo của mình. Trước mắt, phải tạo mọi điều kiện để duy trì sự có mặt của ngư dân trên biển như một thế trận nhân dân. Chính sự gắn kết của họ trên biển, cùng với quần đảo Trường Sa là lá chắn trên biển Đông”-ông Tam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem