... Còn nhớ, trước đây trong một lần về với miền quê biển ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam để viết phóng sự, tôi chợt bần thần nhận ra đôi mắt người đàn bà miền biển đượm buồn, đẹp một cách mơ màng, khó hiểu. Một lão ngư đã xác nhận với tôi rằng cảm nhận ấy là hoàn toàn đúng.
|
Đừng để những “cột mốc” này cô độc ngoài biển Đông. |
Bị trả đũa vì gọi vào bờ
Từ bao đời nay, người miền biển quê mình ra khơi chỉ biết ngắm trăng sao và con nước để tìm hướng đi mà điều khiển con tàu. Đêm nằm nghe con sóng vỗ mạn tàu mà nhớ vợ, thương con. Ngược lại, người đàn bà chỉ biết hướng bao nỗi lo âu và mong chờ chồng con qua đôi mắt vời vợi nhìn về biển mỗi chiều. Họ chỉ "nối mạng" giữa bờ và biển bằng sợi nhớ sợi thương.
Câu chuyện đó mới gần 10 năm giờ đã trở thành cổ tích. Bây giờ, hệ thống và phương án thông tin liên lạc giữa tàu cá và đất liền đã quá hiện đại, qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp. Bờ và biển nghe tiếng của nhau bất cứ lúc nào muốn. Quy chế phối kết hợp, hỗ trợ thông tin theo tổ đội tàu đánh bắt xa bờ cũng dự phòng trường hợp bất khả kháng, tàu bị tai nạn, chìm, hỏng hóc hoặc bị cướp phương tiện liên lạc thì bạn tàu và đất liền cũng xác định được toạ độ của họ để ứng cứu kịp thời.
Chúng tôi có trách nhiệm thông tin về cho bộ đội biên phòng về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc trên vùng biển của mình. Nhưng, dường như họ đã bắt được tần số, nghe lén mọi liên lạc. Chính vì vậy, khi tàu chúng tôi vừa ra khỏi hải phận của mình liền bị chúng truy đuổi, như hình thức trả thù.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng
Đặc biệt, những năm gần đây, khi tàu hành chính và các loại tàu khác của Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải vùng biển Việt Nam, gây hấn, đuổi bắt, thậm chí trấn cướp tài sản của tàu ngư dân VN, thì phương án phối hợp thông tin lại càng được phát huy tối đa.
Thế nhưng, bây giờ, ngay chính cách phối hợp thông tin, đặc biệt là việc ngư dân "mật báo" tình hình trên biển, sự xâm lấn lãnh hải của tàu Trung Quốc về với lực lượng chức năng trên bờ, lập tức họ bị trả đũa ngay trên biển.
Thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90406 Nguyễn Văn Dũng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)- một trong những tàu vừa về đất liền từ "vùng biển nóng" đã thông báo như vậy. Ông Dũng nói: “Thực tế, số tàu Trung Quốc tràn sang biển mình nhiều hơn con số thống kê của Bộ đội Biên phòng, bởi nhiều tàu ngư dân chúng tôi hiện nay phát hiện họ nhưng không điện báo về đất liền nữa.
Có 2 lý do là Bộ đội Biên phòng, Hải quân mình chưa thể ra ngay để đối đầu với tàu hành chính của họ, giải cứu, bảo vệ ngư dân mình. Thứ hai, là chúng tôi bị họ trả đũa ngay lập tức"- ông Dũng cho biết.
Cách trở mới giữa bờ và biển
Cũng thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng khẳng định, chỉ có ngư dân mới xuất hiện đều khắp trên vùng biển Đông, khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo của mình chứ không phải tàu Hải quân hay Bộ đội Biên phòng. Thế nhưng, ngư dân đang gặp quá nhiều khó khăn khi ra khơi.
Thực tế, Chính phủ và cả địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân như chương trình cho vay đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Mới đây là Chương trình hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh cá ngoài khơi... Thế nhưng, những chủ trương tốt đẹp ấy không đến sát thực với ngư dân - những con tàu thực sự sống chết với nghề biển.
Xin không nhắc lại các dự án đóng tàu xa bờ mà giao vốn cho những người... trên bờ, làm thất thoát và thất bại cả chương trình lớn, mà ngay Chương trình hỗ trợ xăng dầu cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Theo quy định của Chính phủ, mỗi tàu ra khơi, đánh bắt xa bờ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 2 đợt xăng dầu (tương đương 40-45 triệu đồng). Điều kiện hồ sơ xin hỗ trợ cũng đơn giản bằng việc xác nhận xuất-nhập bến của Bộ đội Biên phòng địa phương trên sổ hành trình và con dấu đóng ở quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, điều đó là hoàn toàn không đơn giản với ngư dân.
Ngư trường truyền thống của đa số ngư dân từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình lại là Hoàng Sa. Ngư dân chỉ rời thềm lục địa dưới 100 hải lý (cách bờ 300 hải lý) để khai thác. Đặc biệt, mùa đánh bắt chính- đầu hè, ngư trường chủ yếu là vùng biển bắc Hoàng Sa. Trong khi đó, muốn đi vòng vào nam, ghé Trường Sa để xin "dấu đi đường", chúng tôi phải mất 700 hải lý (1 vòng là 350 hải lý). Đối với tàu công suất lớn 350-500CV, chỉ tính riêng xăng dầu cho 700 hải lý này đã vượt con số trên 100 triệu đồng. Vì vậy, không tàu nào ở khu vực bắc miền Trung bỏ ra cả trăm triệu để đi "xin dấu", rồi nhận hỗ trợ mức 40-45 triệu đồng từ Chính phủ.
Đây cũng chính là ý nguyện của đa số thuyền trưởng các con tàu công suất lớn, xa bờ của quận Thanh Khê (Đà Nẵng) thông qua báo chí, gửi tới cơ quan chức năng. Và cho đến thời điểm này, việc hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân trong năm 2011 vẫn chưa thấy thực hiện. Ngư dân miền biển vẫn trông chờ nhưng không biết kết quả cụ thể ra sao.
--------------
Bài cuối: Kết những cột mốc thành lá chắn.
Quỳnh Châu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.