Để giải quyết bài toán kết nối cung cầu trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân thành HTX, tổ hợp tác; khuyến khích và phát huy hiệu quả liên kết doanh nghiệp với nông dân và bao tiêu sản phẩm thông qua HTX, tổ hợp tác.
Nông dân không thể đơn độc sản xuất
Khách đến tham quan điểm trưng bày nông sản sạch tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế. Ảnh: Trần Quang
Nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng cao, nhưng thời gian qua sản phẩm chăn nuôi theo hướng VietGAHP chưa nhiều, có lúc thiếu nguồn cung nên dẫn đến một số nhà phân phối sản phẩm đã lập lờ trong bán hàng làm cho người tiêu dùng nghi ngại, dẫn đến việc sản phẩm VietGAHP khó cạnh tranh với sản phẩm thông thường, không khuyến khích được nhà sản xuất”.
Ông Đỗ Văn Hoan – Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)
|
Theo ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hiện nay an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng bỏng, được toàn xã hội quan tâm. Chúng ta cũng đã phát triển được nhiều sản phẩm an toàn nhưng chưa giới thiệu đến được với người tiêu dùng. Người tiêu dùng thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết nhận diện sản phẩm an toàn, các cơ sở uy tín. Hậu quả là người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Chị Phùng Thị Lan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn (Hoà Bình) cho hay: “Từ năm 2008 đến nay, sau khi tiếp cận chương trình nông nghiệp hữu cơ do tổ chức ADDA tài trợ, chúng tôi đã đào tạo cho nông dân 4 tháng. Sau khi kết thúc, nông dân đã thành lập nhóm để sản xuất rau hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, các nhóm được hỗ trợ của tổ chức ADDA, giúp liên kết với một số DN ở Hà Nội. Năm 2009, nhóm liên kết chỉ làm được 1,2ha. Năm đầu tiên thu hoạch được 1,6 tấn sản phẩm, nhưng rất khó tiêu thụ. Đến hết năm 2010, diện tích tăng lên 3,2ha, thu hoạch được 16 tấn, gấp 10 lần năm trước. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng và nông dân đã tìm được điểm chung. Tính đến tháng 6.2016, diện tích tăng lên 22ha rau quả hữu cơ và 188 hộ nông dân đang sản xuất nông sản hữu cơ. Sản lượng đạt 150 tấn đưa ra thị trường thị trường Hà Nội, chủ yếu phân phối cho 3 công ty Tâm Đạt, VinaGAP và công ty của Tràng An”.
“Đó là ví dụ của việc kết nối thành công trong tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, sản phẩm hữu cơ làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Mặt khác, ở Lương Sơn có hơn 154 mô hình sản xuất, hơn 6.000 nông dân đang sản xuất các cây, con, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm cực khó. Chúng tôi đang tập trung vào sản xuất cây có múi và các sản phẩm chăn nuôi an toàn. Người tiêu dùng vẫn đang mù mờ, không biết thế nào là VietGAP, hữu cơ, là sạch, an toàn. Như nuôi lợn, nuôi ở trang trại, lợn hơi bán được 40.000 đồng/kg. Nhưng với hộ nông dân kém hơn rất nhiều, chỉ được 30.000 đồng/kg lợn hơi. Nông dân không thể đơn độc sản xuất. Được giá hay không được giá, phần kết nối rất quan trọng” – bà Lan chia sẻ.
Cần liên kết theo chuỗi để tiêu thị sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Tốn – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, để giải quyết bài toán kết nối cung cầu trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân thành HTX, tổ hợp tác. “Như ở Bảy Núi, Tịnh Biên (An Giang) đã hình thành liên kết giữa các hộ nông dân thành các vùng có diện tích từ 2.000 – 4.000ha, có 3 – 4 vùng như vậy với tổng diện tích trên 10.000ha và sẵn sàng cho sản xuất nông nghiệp an toàn. Mặt khác, còn có liên kết chuỗi “4 nhà”, phân chia lợi nhuận và chi phí trong chuỗi phù hợp; chọn được nhà phân phối, xuất khẩu làm nhạc trưởng và có sự điều phối, hoạt động của các cơ quan nhà nước, có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học và các tổ chức hỗ trợ khác”.
Ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Ba Huân Hà Nội Công ty TNHH Ba Huân cho hay: “Ngay từ khi sản xuất, chúng tôi nhận thấy càng liên kết chặt chẽ với nông dân bao nhiêu, sống với họ tình nghĩa bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ được lợi bấy nhiêu. Chúng tôi đã liên kết với nông dân sản xuất hàng hoá theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, hướng đến hình thành chuỗi giá trị, phục vụ việc liên kết chặt chẽ giữa nông dân – HTX. Từ đó, hình thành kênh phân phối nông sản, có địa chỉ mua và tiêu thụ cụ thể. Trong xu thế phát triển nền nông nghiệp hàng hoá hiện nay, DN có vai trò khá quan trọng trong định hướng tổ chức sản xuất, tạo lập thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. DN phải nghĩ đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Việt, khu vực và thế giới”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.