Tuyển 120 được 3
Đây là con số đáng buồn của khoa Kỹ thuật địa chất (Trường ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội), chỉ tiêu là 120 TS nhưng chỉ có 3 TS trúng. Tương tự ngành Quản lý biển 60 chỉ tiêu, có 2 TS trúng tuyển... Điểm trúng tuyển hệ ĐH dự kiến của trường từ 15 – 19,25 , hệ CĐ là 12 – 13,75 điểm. Tuy nhiên, hiện trường vẫn còn thiếu ½ TS (chỉ tiêu 2.500 nhưng mới có 1.235 TS)… Lãnh đạo trường này cho biết, những TS có điểm từ điểm sàn của Bộ vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường này trong các đợt xét tuyển tiếp theo.
Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thiêm
Tương tự, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chỉ tiêu tuyển sinh 8.700 em nhưng mới có 5.267 em trúng tuyển. Nhiều ngành có hồ sơ rất ít như: Quản lý đất đai; Công nghiệp kỹ thuật cơ khí; Công thôn; Chăn nuôi; Nuôi trồng thuỷ sản… Mức điểm trúng tuyển dự kiến từ 15 – 21 điểm với hệ ĐH và từ 12 điểm với hệ CĐ. Trường ĐH Điện lực năm nay tuyển 2.000 chỉ tiêu hệ ĐH (điểm chuẩn là 16) nhưng cũng chỉ tuyển được một nửa. Chỉ có một số ít ngành đã tuyển đủ như: Tự động hóa, Điện công nghiệp và dân dụng; Hệ thống điện trường… còn lại đều ế ẩm. Thậm chí có đến 10 ngành của trường chưa nhận được hồ sơ nào.
Ông Hoàng Dũng Sỹ - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) thông tin, trường đã nhận được khoảng 1.600 hồ sơ xét tuyển (chỉ tiêu là 2.555), phổ điểm trúng tuyển dự kiến từ 16 – 21 điểm. Vì vậy trường này dự kiến sẽ hạ điểm trúng tuyển xuống bằng điểm sàn. Trường ĐH Xây dựng miền Trung cũng có điểm chuẩn trúng tuyển từ “sàn” 15 – 20 điểm với hệ ĐH và 12 điểm với hệ CĐ, tuy nhiên với chỉ tiêu 1.200 em trường mới tuyển được 1/3 (442 em). Cơ hội xét tuyển các đợt sau vẫn còn mở rộng đối với các TS.
Còn rất nhiều cơ hội
Không như dự kiến trước đó của Bộ GDĐT, rất nhiều trường mới chỉ tuyển được chưa đến 50% chỉ tiêu (dự kiến là 70%) trong đợt 1. Nguyên nhân được phân tích là do quy trình tuyển sinh kéo dài nhưng rắc rối, hệ thống phần mềm quản lý điểm của các trường không đồng nhất khiến TS và phụ huynh khó cập nhật để rút và gửi hồ sơ kịp thời đến các trường không tuyển được nhiều ở đợt 1.
GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cách làm của Bộ GDĐT và các trường là chưa khoa học: “Đợt xét tuyển này quá rối. Đến tận ngày cuối cùng mà phụ huynh và TS vẫn phải long đong chạy đua rút – nộp hồ sơ thì thật quá vất vả. Cũng đến tận giờ cuối cùng mà TS vẫn không biết “thực - ảo” thế nào, rút hồ sơ cũng không biết sẽ gửi vào đâu. Phụ huynh thì ăn chực nằm chờ rất tốn kém, trong khi các trường thì lúng túng và hoang mang”.
Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, Bộ GDĐT không ấn định tỷ lệ chỉ tiêu phải tuyển ở đợt 1 mà do lựa chọn của từng trường và chất lượng của TS. 70% TS trúng tuyển đợt 1 chỉ là số lượng tương đối. Năm nay phương thức tuyển sinh khác nên sẽ có biến động. Có nhiều trường sẽ chấp nhận hạ điểm chuẩn để tuyển đủ ở đợt 1 nhưng có trường sẽ giữ mức điểm cao để chờ tuyển sinh các đợt sau. Vì vậy, còn rất nhiều cơ hội cho những em chưa trúng tuyển.
Về sự vất vả của TS và phụ huynh, Thứ trưởng Ga cho biết: “Việc rút – nộp hồ sơ vất vả chỉ diễn ra ở khoảng 30 – 40 trường top trong tổng số 400 trường ĐH, CĐ. Ở các đợt sau, các trường, sở đã rút được kinh nghiệm sẽ phối hợp nhịp nhàng hơn trong khâu tổ chức. Bộ GDĐT cũng sẽ có những giải pháp kỹ thuật bổ sung để đơn giản việc đăng ký xét tuyển của TS. Các em sẽ bớt vất vả hơn đợt 1” – ông Ga chia sẻ.
Theo quy chế của Bộ GDĐT, có 4 đợt xét tuyển tiếp theo bắt đầu từ 25.8 đến hết ngày 15.11. Trong các đợt xét tuyển này, TS có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng ký tối đa và 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự từ 1 – 4.
Đặc biệt, Thứ trưởng Ga lưu ý, trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, TS mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Mặc dù đến 25.8 mới là hạn công bố danh sách trúng tuyển, tuy nhiên, sau khi chốt việc nhận hồ sơ, nhiều trường ĐH CĐ đã có số liệu TS trúng tuyển dự kiến. Theo danh sách điểm chuẩn dự kiến mà Bộ GD ĐT đã tập hợp được của 71 trường ĐH, CĐ phía Bắc và 55 trường ĐH, CĐ phía Nam đến ngày 20.8, ngoài một số trường ĐH “top” trên có điểm chuẩn dự kiến rất cao (từ 24 – 27 điểm) như ĐH Ngoại Thương, ĐH Y – Dược, ĐH Kinh Tế quốc dân... hầu hết các trường còn lại mức điểm dự kiến chỉ từ 15 - 16 điểm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.