Kết thúc gần 2 năm bệnh viện kiện bệnh nhân: Cả 2 bên đều phải bồi thường
Kết thúc gần 2 năm bệnh viện kiện bệnh nhân: Cả hai bên đều phải bồi thường
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 06/05/2021 21:53 PM (GMT+7)
Phiên tòa phúc thẩm xử vụ án "Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm" giữa Bệnh viện FV và chính bệnh nhân của mình kéo dài gần 2 năm đã kết thúc.
Sau hơn 1 tuần tạm dừng, chiều 4/5, TAND TP.HCM đã mở lại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án "Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm". Nguyên đơn vụ án là Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam (Bệnh viện FV, địa chỉ tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Mộng Châu, từng là bệnh nhân của bệnh viện.
HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về yêu cầu bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng tiền xử lý khủng hoảng truyền thông, lập vi bằng, sửa lại một phần bản án sơ thẩm.
Cụ thể, HĐXX yêu cầu bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải xóa bỏ toàn bộ bài viết "Khi bạn có thai nhưng bệnh viện nói không và cho bạn uống thuốc phá thai đầy dịch ứ" đăng tải trên trang cá nhân vào ngày 23/6/2018; Buộc bị đơn xin lỗi trên 3 tờ báo theo chỉ định của nguyên đơn và bồi thường tổn thất tinh thần 13,9 triệu đồng như tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, buộc Bệnh viện FV phải bồi thường cho bị đơn số tiền hơn 9 triệu đồng chi phí điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ do sai sót chuyên môn từ Bệnh viện FV.
Trước đó, vào ngày 19/6/2018, bà Nguyễn Thị Mộng Châu đến khám tại Bệnh viện FV trong tình trạng chảy máu âm đạo sau 3-4 tuần dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Bệnh nhân có tiền sử sinh mổ 2 lần.
Kết quả thăm khám ban đầu của bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân không có thai nhưng có dịch ứ trong tử cung. Bác sĩ cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc misoprostol để đẩy dịch ứ ra ngoài.
Tuy nhiên sau đó bệnh nhân chảy máu nhiều, quay lại tái khám tại Bệnh viện FV thì được kết luận bị băng huyết, có thai nhưng đã hư và việc sảy thai có thể do bệnh nhân uống thuốc ngừa thai trước đó. Kết luận này không được bệnh nhân chấp nhận.
Sáng 23/6/2018, bà Châu chia sẻ bài viết trên trang facebook cá nhân, "tạo nên cuộc khủng hoảng truyền thông nhấn chìm FV" (cáo buộc của Bệnh viện FV).
Phía Bệnh viện FV cho rằng bệnh nhân đăng tải sai lệch sự thật gây ảnh hưởng nặng đến uy tín và danh dự, hoạt động của bệnh viện.
Do đó bệnh viện đơn khởi kiện đến tòa, yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền hơn 1,3 tỷ đồng tiền xử lý khủng hoảng truyền thông và tổn thất tinh thần. Bị đơn cũng phải công khai xin lỗi trên ba tờ báo do bệnh viện chỉ định và phải gỡ bỏ các bài viết trên Facebook.
Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 9 và tháng 10/2019, HĐXX TAND quận 7 (TP.HCM) buộc bị đơn phải xin lỗi qua báo chí, bồi thường số tiền 13,9 triệu đồng để bù đắp tổn thất tinh thần do uy tín nguyên đơn bị xâm hại.
Riêng việc bồi thường chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông và lập vi bằng tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng của bệnh viện FV không được tòa chấp nhận.
Kết thúc phiên sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo.
Sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng Bệnh viện FV không chứng minh được chi phi phí tổn thất, chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông, các chi phí lập vi bằng là thiệt hại về vật chất do bà Châu gây ra.
Bà Châu có thừa nhận việc đăng tải bài viết trên mạng xã hội như một lời tự sự. Bài viết đã tạo nên một làn sóng tranh cãi không tốt cho Bệnh viện FV, gây hiểu nhầm là bà Châu đang mang thai bình thường, dù bệnh nhân mang thai trong tình trạng nguy hiểm.
Đại diện VKS cho rằng có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn về thiệt hại tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân do sự sai sót chuyên môn từ Bệnh viện FV gây ra.
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã kết luận bà Châu có tiền sử mổ lấy thai 2 lần, không nhớ ngày đầu kỳ kinh cuối.
Trong khoảng 1 tháng bà Châu có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần. Ở lần khám đầu tiên ngày 19/6/2018, bà Châu đến Bệnh viện FV vì lý do ra huyết âm đạo. Tuy nhiên bác sĩ siêu âm Ngô Trung Nam của Bệnh viện FV đã không phát hiện được người bệnh có thai tại sẹo mổ cũ.
Căn cứ vào kết quả siêu âm và kết quả xét nghiệm thai nhanh âm tính, bác sĩ khám bệnh Lê Thanh Hùng đã không chẩn đoán được tình trạng có thai của người bệnh, từ đó dẫn đến xử trí không phù hợp bằng cách kê đơn và cho bệnh viện về nhà tự theo dõi.
Trong lần nhập viện điều trị nội trú từ ngày 20-22/6/2018, bác sĩ Bệnh viện FV đã chẩn đoán bệnh nhân bị "chảy máu tử cung nhiều do sảy thai", kịp thời xử trí cứu sống người bệnh khi bị mất máu nặng nhưng lại chưa chẩn đoán chính xác bệnh lý của người bệnh là "chửa tại sẹo mổ lấy thai" nên xử trí chưa triệt để.
Người bệnh sau đó đã được Bệnh viện Từ Dũ điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật lấy khối nhau bám, khâu phục hồi cơ tử cung, bảo toàn tử cung của người bệnh.
Trong lần mang thai này, bà Châu có tình trạng thai làm tổ ở sẹo mổ lấy thai của tử cung, gai rau phát triển vào lớp cơ tử cung. Đây là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm có thể gây sảy thai, chảy máu, vỡ tử cung, đe dọa tính mạng của thai phụ. Nếu phát hiện được khi tuổi thai còn nhỏ, nguyên tắc xử trí chung là cần phải tư vấn cho người bệnh loại bỏ thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người mẹ.
Bác sĩ khám bệnh Lê Thanh Hùng đã chẩn đoán người bệnh bị "ứ dịch lòng tử cung", phù hợp với kết quả siêu âm và xét nghiệm nhanh âm tính. Tuy nhiên, do kết quả siêu âm (do bác sĩ siêu âm Ngô Trung Nam thực hiện) và xét nghiệm thai nhanh chưa chính xác dẫn đến chẩn đoán chưa chính xác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.