Kết thúc ngày thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nhiều hội đồng thi đã... đóng cửa

Thứ tư, ngày 04/06/2014 07:09 AM (GMT+7)
Đến hết sáng 4.6 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mới kết thúc, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, nhiều hội đồng thi đã được “nghỉ” từ chiều 3.6 do không có thí sinh nào đăng ký thi 2 môn ngoại ngữ, sinh học.
Bình luận 0
Nhiều ca thi không có thí sinh

Ông Bùi Ngọc Dạc – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hòa Bình thông tin, kết thúc buổi thi môn địa lý chiều 3.6, có 4 hội đồng thi trong tỉnh “đóng cửa” vì không có thí sinh thi vào ngày thi thứ 3, đó là các hội đồng thi tại Lũng Vân, Lạc Thủy, Sào Váy và Phú Cường. “Đây chủ yếu là những địa bàn vùng nông thôn, miền núi, có học sinh là người dân tộc nên các em rất “sợ” thi ngoại ngữ. Trong khi môn sử có tới 4 hội đồng thi có 100% thí sinh đăng ký dự thi” – ông Dạc cho biết.

Các thí sinh sau giờ thi môn địa lý tại Hội đồng thi Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Hội.
Các thí sinh sau giờ thi môn địa lý tại Hội đồng thi Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Hội.

Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Lương Sơn, Hòa Bình), Phó Chủ tịch Hội đồng thi thông tin, trường chỉ có duy nhất 1 học sinh thi môn ngoại ngữ và vật lý. Chính vì vậy hội đồng thi Nguyễn Trãi đã có 2 ca thi trong 2 ngày chỉ tập trung nhân lực cho thí sinh duy nhất này. Sở GDĐT Tiền Giang cũng cho biết, tỉnh này có hội đồng thi Trường THPT Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo) không có thí sinh nào đăng ký dự thi 4 môn vật lý, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Như vậy, hội đồng thi này đã phải vừa thi vừa… nghỉ ở ngày thi thứ nhất, buổi chiều ngày thi thứ hai cũng nghỉ sau môn hóa, ngày thi thứ 3 thì chỉ tổ chức thi môn sinh học. Tại Hội đồng thi Trường THPT Mỹ Thước Tây (Tiền Giang) cũng xảy ra tình trạng tương tự do chiều 3.6 không có thí sinh nào thi môn địa lý.

Tương tự, sáng 4.6, tại Đà Nẵng có 3 Hội đồng thi là THPT Tôn Thất Tùng, THPT Ông Ích Khiêm và THPT Phan Châu Trinh cũng sẽ đóng cửa không tổ chức thi môn ngoại ngữ. Đây cũng là môn thi thứ 3 có lượng thí sinh đăng ký thi thấp nhất ở thành phố này.

Nhận định về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GDĐT cho biết: “Việc chọn môn thi chịu tác động rất rõ từ lựa chọn nghề nghiệp. Riêng môn ngoại ngữ, hiện nay chưa đưa vào môn thi bắt buộc vì điều kiện và phương pháp dạy học chưa được đồng đều ở các vùng miền. Học sinh nông thôn thường không tự tin khi lựa chọn môn thi này. Nhưng một vài năm nữa sau khi đổi mới chương trình, cục diện này sẽ thay đổi”.

Đề thi địa lý hay!

Đúng như dự đoán của nhiều thí sinh, đề thi môn địa lý chiều 3.6 tiếp tục đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo với câu hỏi: “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?”. Sau hai môn văn, sử đề tài này vẫn được nhiều thí sinh hào hứng đón nhận. Tại Hội đồng thi Trường THCS Tây Sơn (TP. Đà Nẵng) em Nguyễn Ngọc Hiền – đại diện cho hơn 100 thí sinh thi môn địa lý tại đây tỏ ra phấn chấn: “Thời gian làm bài là 90 phút nhưng bọn em chỉ làm hơn 60 phút là xong. Cũng như đề văn và sử, môn địa cũng có câu hỏi liên quan đến chủ quyền biển đảo khiến em và các bạn rất hào hứng. Đây là câu hỏi mở, liên quan đến vấn đề thời sự nóng hổi nên chúng em có “đất” để diễn đạt suy nghĩ, sự hiểu biết cũng như cách nhìn nhận vấn đề”.

Hào hứng nói về cách làm phần thi này, em Trần Phương Dung – Hội đồng thi THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Lãnh thổ của Việt Nam bao gồm cả vùng đất liền, lãnh hải, các đảo nhỏ… nó tạo thành một khối gắn kết khăng khít, nếu để mất một hòn đảo dù chỉ là nhỏ thì sự toàn vẹn lãnh thổ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GDĐT đã có cách lồng ghép tuyên truyền về vấn đề biển đảo cho học sinh rất hay trong đề thi. Cô Trần Thị Ngọc – giáo viên Địa lý ở Yên Khánh (Ninh Bình) cho rằng, không riêng môn địa lý, các môn thi xã hội đã thoát ra khỏi nhà trường, đi vào đời sống thường nhật, phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng và có tính chất giáo dục rất cao. “Đây là một hướng làm đúng, qua việc làm bài thi, học sinh sẽ được bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đang rất “nóng”. Sẽ có những bài thi hừng hực lòng yêu nước, khí phách tuổi trẻ, định hướng chính trị…” – cô Ngọc nói.

Đề thi môn Hóa không làm khó học sinh
Thầy Trần Xuân Phú - giáo viên hóa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng: “Năm nay thí sinh được lựa chọn môn thi nên hầu như các em chọn Hóa đều thi khối A, có kiến thức hóa rất chắc, vì vậy đề thi này không thể làm khó các em. Đề có khoảng 7 - 8 câu tương đương độ khó với đề thi đại học, các câu còn lại cơ bản, dễ hiểu”. Cũng theo thầy Phú, với đề thi này học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm tuyệt đối, học sinh trung bình cũng được 7 điểm.

Đề thi Toán có sự phân loại rõ ràng
Thầy Nguyễn Đức Kiên - giáo viên toán một trường THPT tại Phù Cừ (Hưng Yên) nhận định: “Do thời gian làm bài thi môn toán bị rút ngắn còn 120 phút nên cấu trúc đề cũng đã được thay đổi phù hợp với thời gian, không gây quá sức cho học sinh. Đề thi cũng có sự phân loại rõ ràng đối với học sinh. Với đề thi này, học sinh học trung bình cũng có thể làm được 6 - 7 điểm nếu tỷ mẩn chi tiết, làm đến đâu chắc đến đó, học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm tuyệt đối”.
Tùng Anh (ghi)


46 tuổi vẫn thi
Đó là thí sinh Nguyễn Sơn Tùng, dự thi tại Hội đồng thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội). Anh Tùng sinh năm 1968, hiện đang là nhân viên bảo vệ cho một doanh nghiệp. Với quyết tâm tiếp tục con đường học hành dang dở, từ năm 2011 anh Tùng đã cần mẫn đến trung tâm giáo dục thường xuyên để học văn hóa vào mỗi buổi tối, sau giờ làm. Anh Tùng cho biết, do công việc hiện tại của anh chưa ổn định nên sau khi thi tốt nghiệp, anh sẽ tính đến việc học nghề.
Tùng Anh

Hà Nội: Hỏng xe, thí sinh được CSGT chở đi
Đó là trường hợp của em Nguyễn Phương Nam - học sinh lớp 12 Trường THPT Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Vào lúc 6 giờ 20 phút sáng 3.6, trên đường đến địa điểm thi Trường THCS Quang Trung, khi đến ngã tư Phan Kế Bính - Liễu Giai, xe của Nam va chạm với một xe máy khác khiến xe của Nam bị hư hỏng nặng. Sau đó, Nam đã được 2 chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông số 2 Công an TP.Hà Nội dùng xe chuyên dụng chở đến địa điểm thi cho kịp giờ.
Đăng Duy

Ngất xỉu khi đang làm bài
Ngày 3.3, trong khi đang làm bài thi môn hóa, một thí sinh của Hội đồng thi Trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, đã bị ngất, không thể tiếp tục làm bài thi. Theo ông Dương Đình Hoán - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Thanh Hóa, trong trường hợp thí sinh bị ốm đột xuất, nếu không thể tiếp tục làm bài thi, sẽ được xem xét đặc cách.
Phương Mai


Nhóm PV giáo dục (Nhóm PV giáo dục)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem