Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay, ngày 9.8, chỉ số VnIndex giảm 17,91 điểm (2,26%) xuống 773,66 điểm. BID là cổ phiếu được chú ý trong ngày hôm nay. Ngay khi mở cửa, cổ phiếu này đã giảm sàn. Chốt phiên giao dịch, cổ phiếu BID giảm 2,2 điểm (9,73%). Tuy nhiên, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức 7% bằng tiền mặt nên thực ra BID không giảm quá nhiều.
Mặc dù đã có các thông tin phủ nhận đồn đoán về việc nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt nhưng cổ phiếu BID hiện vẫn giảm kịch sàn. Các cổ phiếu “họ BIDV” như BSI, BIC cũng giảm điểm.
Ông Trần Bắc Hà bắt đầu vào làm việc tại BIDV vào tháng 2.1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7.1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.
Tháng 10.1999, ông là Phó tổng giám đốc BIDV. Tháng 5.2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV. Tháng 1.2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV đến 1.9.2016.
Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng ngồi “ghế” Chủ tịch HĐQT của BIDV. Dưới “triều đại” của ông Hà, BIDV cũng có những thăng trầm, vui buồn trong hoạt động kinh doanh. Điểm nhấn rõ nhất đó là sức ảnh hưởng của ông Hà đối với hoạt động của BIDV trong suốt thời gian ngồi “ghế nóng”.
BIDV dưới “triều đại” Trần Bắc Hà có một bước tiến lớn về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh. Đó là trở thành công ty đại chúng và chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24.1.2014. Ngày niêm yết, giá cổ phiếu BID của BIDV là 18.700 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay, ngày 9.8.2017, giá cổ phiếu BID là 20.400 đồng/cổ phiếu.
BIDV dưới sự điều hành của ông Hà đã có bước tăng vọt từ tổng tài sản tăng từ 246.494 tỷ đồng (năm 2008) lên 930.267 tỷ đồng (tháng 6.2016); lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng (năm 2008) lên 7.948 tỷ đồng (năm 2015), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng.
Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng nên nợ xấu cũng tăng vọt từ 5.979 tỷ đồng (năm 2008) lên 13.183 tỷ đồng (tháng 6.2016). Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu lại giảm từ 4% (năm 2008) xuống còn 2% (tháng 6.2016).
Một điểm đáng chú ý trong giai đoạn ông Hà điều hành đó là các khoản phải thu tăng mạnh. Thời điểm năm 2008 khi ông Hà bắt đầu ngồi ghế chủ tịch HĐQT, các khoản phải thu chỉ là 7.151 tỷ đồng và đến cuối năm 2015 tăng lên 15.013 tỷ đồng. Thời kỳ đỉnh điểm là năm 2014, các khoản phải thu lên tới 18.743 tỷ đồng.
Một năm sau khi ông Hà rời nhiệm sở, BIDV đã có chuyển biến rõ rệt. Tính đến hết ngày 30.6.2017, Tổng tài sản tăng vọt lên 1.100.433 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.708 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; Quy mô nợ xấu tăng lên 15.379 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,90% và các khoản phải thu là 15.432 tỷ đồng.Đây không phải là lần đầu tiên ông Hà có tin đồn bị bắt. Còn nhớ hồi tháng 2.2013, cả thị trường, tài chính tiền tệ và chứng khoán Việt Nam đã chao đảo trước tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV bị bắt.
Theo Tổng cục an ninh II, Bộ Công An, tin đồn này đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VnIndex giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Một dấu ấn không vui của BIDV dưới “triều đại” Trần Bắc Hà là khoản dư nợ 10.664 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đây sẽ là gánh nặng cho người kế nhiệm ông Hà. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2017, HAGL đã báo lãi nhưng dư nợ của BIDV hiện vẫn là 10.364 tỷ đồng, chưa giảm bao nhiêu so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.