Ngày 23-11 hàng năm được chọn làm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam theo Quyết định 36/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Mấy năm qua, hoạt động nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được cả xã hội chú ý.
Mỗi lần công nhận di sản quốc gia đều gây được mối quan tâm của báo giới và ngành văn hoá các tỉnh, thành. Mỗi di sản được vinh danh thế giới trở thành niềm tự hào của cả nước.
Nhưng chính trong những ngày này, nhiều di tích ở các nơi lại đang "ngậm ngùi", "than thở" về những thảm trạng: Hoặc bị hững hờ, ghẻ lạnh, nhiều năm rệu rã trong hoang tàn; hoặc bị xâm lấn, o ép trong bối cảnh "tấc đất tấc vàng" và đô thị hoá chóng mặt, các không gian, khuôn viên di tích sẵn sàng bị chiếm dụng bởi những thành phần không kiêng nể cả chính quyền lẫn thần quyền; hoặc được hưởng "vận may" tu bổ, nhưng sau một thời gian lại được khoác "áo" mới, được "trẻ" hoá, đang trầm mặc phong sương bỗng dưng "cải lão hoàn đồng".
Chỉ cần gõ mấy chữ di tích, trùng tu, tôn tạo… lên trang tìm kiếm google, lập tức ào tới hàng loạt những từ ngữ phản ánh một thực trạng khổ sở, dằn vặt của di tích: Xuống cấp, bị lãng quên, chịu cảnh hẩm hiu, xâm phạm, xâm hại nghiêm trọng, méo mó, biến dạng, hư hỏng sau tu bổ, nhiều bất cập…
Mới hôm trước, một nghệ nhân hiểu biết về chèo Chải hê ở thị trấn Lim, Bắc Ninh vừa gọi điện cho tôi, chia sẻ những băn khoăn bởi có người về mời lên Hà Nội truyền dạy những lời ca, động tác múa còn sót lại của môn diễn xướng độc đáo này, nhưng bác e ngại, bởi cách đây chưa lâu, chính bác đã dạy chèo Chải hê trong một dự án khôi phục, bảo tồn, nhưng rồi bị người khác làm sai lệch…
Nhiều hội thảo, hội nghị đã nêu lên thực trạng nóng của di sản hôm nay. Nhưng thực trạng được cập nhật thường xuyên mà giải pháp và những xử lý cụ thể, triệt để vẫn như những câu hỏi nối dài mãi. Trong ngày vui ngợi ca và biết ơn di sản hôm nay, phía sau những quyết tâm, những tuyên truyền, giáo dục…, nhiều di sản vẫn "rưng rưng nước mắt"!
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.