Ngô Bá Khá (Khá "bảnh"-PV) tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Internet)
Xung quanh vấn đề thu thuế các cá nhân có thu nhập “khủng” từ YouTube, Google, Facebook, sau khi Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trên Facebook, Google, YouTube... do không kê khai và nộp thuế thì gần đây một nhân vật khá nổi tiếng thu nhập khủng trên các trang mạng xã hội là Khá “bảnh” đã tiếp tục đặt ra vấn đề về việc kiếm tiền trên YouTube.
Ngô Bá Khá (Khá “bảnh” – PV) cho biết, bản thân mới được Google trả tiền trong vài tháng gần đây cho những video đăng trên YouTube. Mấy tháng đầu được 7.000 – 8.000 USD/tháng, tháng cao nhất được trả lên tới 19.500 USD. Trước nguồn thu nhập “khủng” của Khá “bảnh” từ Youtube, Chi cục Thuế Từ Sơn cho hay, người này không kê khai, đóng thuế trên địa bàn.
Nhìn một cách tổng thể, câu chuyện cá nhân, doanh nghiệp trong nước sở hữu con số thu nhập “khủng” từ hoạt động như viết phần mềm, trò chơi, sáng tạo video trên nền tảng của các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng phần lớn không kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ đã không còn tồn tại trong phạm vi nhỏ.
Theo một chuyên gia kinh tế, các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Youtube luôn là những kênh truyền thông thu hút nhất với hàng tỷ người dùng. Và dễ hiểu vì sao các doanh nghiệp, nhà quảng cáo luôn tìm đến những nhân vật với các kênh thu hút nhất để đặt quảng cáo của mình, nhằm chạm tới nhiều người xem hơn.
Tuy nhiên, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, do cơ quan thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng. Đặc biệt, trong bối cảnh các loại hình kinh doanh qua mạng bùng nổ nhanh chóng.
Vị chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Việc tiến hành thu thuế trước hết phải bắt đầu từ nhà mạng. Nhà mạng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kết hợp với cơ quan thuế để quản lý các hoạt động kinh doanh, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội. Để từ đó có được cái nhìn tổng thể nhất về các chủ thể kinh doanh qua mạng”.
Nhiều lần chia sẻ về vấn đề quản lý thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang mạng xã hội, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, trong khi các quốc gia trên thế giới đã tiến hành thu thuế những người có doanh thu từ Google và Facebook từ rất lâu thì đến nay Việt Nam mới bắt đầu tiến hành.
Và việc triển khai thu thuế đối với kinh doanh qua mạng xã hội cũng khó khăn hơn nhiều so với việc thu thuế của việc kinh doanh truyền thống. Nguyên nhân do ý thức tuân thủ pháp luật về thuế, nghĩa vụ nộp thuế của một bộ phận cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh qua các trang mạng xã hội chưa cao.
Thông thường, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các trang mạng xã hội nếu không đăng ký kinh doanh thì sẽ không kê khai nộp thuế với cơ quan thuế. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định đối tượng thu thuế, số thu thuế. Còn bộ phận cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh lại thường tìm những biện pháp để “lách” thuế, kê khai thuế không đầy đủ… gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thu thuế.
Đóng góp ý kiến từ góc độ công nghệ, độc giả P.T.Tùng (Hà Nội) cho biết: “Kiếm tiền từ Youtube thực sự lợi nhuận rất cao nhưng cũng khó để thành công, những người có thể kiếm tiền từ youtube phải đánh đổi nhiều thứ. Xây dựng một kênh có doanh thu ổn định cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm, song để tạo ra doanh thu lớn còn vất vả hơn. Những kênh YouTube hàng đầu phải liên tục ra video mới để không bị tụt lại, điều này tạo ra áp lực lớn do khi bạn làm công việc sáng tạo, không phải lúc nào cũng có ý tưởng. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng là vấn đề các kênh YouTube thường gặp như bị đối thủ dùng nick ảo report hàng loạt, báo sai phạm bản quyền”, anh Tùng phân tích.
Đối với các nhân vật mới nổi trên mạng xã hội thời gian qua như Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền, anh Tùng cho rằng, so với các vlogger đời đầu, độc giả quan tâm tới Khá “bảnh” và Dương Minh Tuyền không vì nội dung video. Độc giả đơn giản chỉ vào để giải trí bằng cách đọc bình luận của người khác và bình luận góp vui.
“Ở một thế giới luôn phải tuân theo quy tắc, luật lệ, việc có nơi để giải tỏa những bốc đồng, thể hiện cái tôi ẩn giấu, thích nói gì thì nói làm gì thì làm mà không bị ai phán xét khiến Khá bảnh và các nhân vật giang hồ khác tạo ra sự khác biệt với mặt bằng chung vlogger. Về phía Google và Facebook, đội ngũ kiểm duyệt của họ không thể lọc được hết nội dung xấu, trừ khi được báo cáo. Bản thân Google từng bị nhân viên tố thả nổi chính sách, không ngăn chặn nội dung xấu để tăng lượng xem, từ đó kiếm được nhiều tiền quảng cáo hơn. Facebook gần đây đã cho phép bật kiếm tiền video và thu hút một lượng lớn chủ kênh chuyển nhà qua. Cũng có thể do cạnh tranh nên việc kiểm duyệt không được gắt gao và cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để yêu cầu xử lý”, anh Tùng góp ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.