Khá "bảnh" kiếm tiền tỷ, quản lý thu nhập “triệu phú YouTube” thế nào?

P.V Thứ tư, ngày 03/04/2019 18:30 PM (GMT+7)
Ngoài vấn đề quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, con số thu nhập của các cá nhân như Khá "bảnh" và Dương Minh Tuyền khiến không ít người phải đặt câu hỏi: “Nguồn tiền thu về từ những video này của các triệu phú YouTube sẽ được quản lý ra sao?”.
Bình luận 0

img

Ngô Bá Khá (Khá "bảnh" - PV) tại trụ sở cơ quan điều tra. (Ảnh: Nguyễn Trường)

Kiếm tiền trên YouTube có dễ?

YouTube hiện là kênh truyền thông quen đối với người Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đây là kênh được phát triển bởi Google, cho phép người dùng đăng tải các video để lưu trữ, chia sẻ cho người khác xem, hoặc giữ riêng tư cho mình.

Song hành cùng sự phát triển của công nghệ, cụm từ “kiếm tiền từ YouTube”, “kiếm tiền trên Facebook” dần trở nên phổ biết, đặc biệt với giới trẻ năng động. Khi lượng người đăng ký kênh, tài khoản của một người tăng lên và họ nhận được nhiều lượt xem, tương tác hơn đối với mỗi sản phẩm của mình, đó là lúc  người đó có thể kiếm tiền từ vlog của mình thông qua đăng ký tham gia YouTube Partnership Program (Chương trình Đối tác YouTube) để bắt đầu kiếm tiền từ quảng cáo được hiển thị trước hoặc trong các video của họ.

Khi trở thành YouTube Partner, các video sẽ trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả qua quảng cáo được YouTube tự chèn trên video cũng như dựa theo lượt xem với mức 1 USD/1.000 lượt xem. Tuy nhiên, con số này ở mỗi thị trường khác nhau, tại Việt Nam, các lượt xem thường có giá khá rẻ. Khi đạt ngưỡng 100 USD sẽ được YouTube thanh toán bằng cách chuyển khoản.

Theo tính toán, chỉ cần sở hữu một tài khoản YouTube, Instagram, Facebook với gần 1 triệu tài dõi theo dõi, một cá nhân hoàn toàn có thể thu về từ vài nghìn với vài chục nghìn USD mỗi tháng chỉ bằng cách đăng tải video của mình.

img

Kênh YouTube cá nhân càng nhận được nhiều lượt theo dõi, số tiền chủ nhân kênh YouTube nhận được càng cao. (Ảnh minh hoạ)

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Trần Hiếu, một người từng có nhiều kinh nghiệm quản lý các trang mạng xã hội, đưa ra so sánh: “Một người kiếm tiền trên Youtube cũng giống như một người bán hàng, tiếp thị sản phẩm trong đời sống hàng ngày. Khi bạn có một mức tranh muốn bán, sẽ có người quan tâm, nhưng cũng có người không. Vậy nên, lượng người quan tâm, theo dõi bạn sẽ phụ thuộc chủ đề bạn lựa chọn đăng tải trên YouTube và các trang mạng xã hội. Kết quả, có không ít người kiếm tiền từ Youtube, song cũng không ít người dù đã cố gắng nhưng không thể kiếm tiền từ YouTube”.

Theo anh Hiếu, hai phương thức kiếm tiền phổ biến trên YouTube là sáng tạo những video mang nội dung, xu hướng mới và độc đáo, hoặc đăng tải lại video “hot”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội.

Quay trở lại khoảng thời gian 7-8 năm trước, Vlogger là "nghề" được một bộ phận các bạn trẻ năng động lúc đó hướng tới. Michelle Phan, một cô gái gốc Việt, bắt đầu sản xuất video chia sẻ bí quyết trang điểm để đăng trên YouTube từ 2007. Công cụ hỗ trợ của Michelle khi đó là laptop, webcam và những câu chuyện về làm đẹp. Năm 2012, Michelle Phan bắt đầu nhận được tiền từ tài khoản của mình trên YouTube. Với số lượng người theo dõi lên đến hơn 7,2 triệu cùng các clip có lượng người xem khủng, cô hiện kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ kênh này.

Trong nước, JVevermind là một gương mặt khá thành công. Mỗi vlog của JVevermind trung bình nhận được khoảng 1 triệu lượt view, và những vlog nổi trội nhận được tới hơn 3 triệu lượt xem. Theo ước tính của Social Blade, thu nhập hàng tháng của JVevermind có thể từ 1.300-10.000 USD.

img

Theo ước tính của Social Blade, thu nhập hàng tháng của JVevermind có thể từ 1.300-10.000 USD. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, anh Trần Hiếu cho biết, theo dòng chảy thời gian, khi xu hướng giải trí và công nghệ thay đổi, những nội dung mang tính chất giải trí đơn thuần không còn mang lại nguồn thu nhập cao cho các chủ nhân của các tài khoản Youtube.

“Những video mang nội dung có tính chất kinh doanh như nhà đất, xe, bảo hiểm sẽ có thu nhập cao hơn so với video giải trí, không mang nhiều nội dung có giá trị. Với video của hai nhân vật Khá bảnh, Dương Minh Tuyền kiếm tiền dựa vào số lượng quảng cáo xuất hiện trên video thay vì chất lượng nội dung của video. Chỉ cần quan sát có thể nhận ra quảng cáo xuất hiện trên video của Khá bảnh và Dương Minh Tuyền liên quan tới từ khoá xổ số, cá cược thể thao… doanh nghiệp muốn quảng cáo trên video của họ sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền.

Nguồn thu phổ biến là tiền từ các doanh nghiệp quảng cáo trả cho Youtube khi quảng cáo trên các clip có người xem qua dịch vụ Google AdSense. Nhưng tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa hai bên thường không được tiết lộ”, anh Trần Hiếu phân tích.

Bài toán quản lý các “triệu phú YouTube”

Ngoài vấn đề quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, con số thu nhập của các nhân vật như Khá “bảnh” và Dương Minh Tuyền khiến không ít người phải đặt câu hỏi: “Nguồn tiền thu về từ những video này sẽ được quản lý ra sao?”.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ cá nhân, anh Trần Hiếu nhận định: “Các chủ tài khoản YouTube cơ bản không cần kê khai thuế do họ bán hàng trên nền tảng của một doanh nghiệp quốc tế và nhận tiền qua các kênh không phải xuất hoá đơn, không yêu cầu cung cấp mã số thuế cá nhân như nền tảng Paypal, Western Union hoặc nhận chuyển khoản trực tiếp”.

Trước đó, giới kinh doanh thương mại điện tử từng tỏ ra băn khoăn về trường hợp hai cá nhân ở TP.HCM và Quảng Nam bị cơ quan thuế truy thu hàng tỷ đồng vì có các khoản thu từ Google, Facebook nhưng lại không kê khai nộp thuế.

Theo Luật Quản lý thuế, các Ngân hàng thương mại không phải có trách nhiệm cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, việc những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉ được phát hiện khi cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

"Ở Việt Nam có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản, thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Khi có phát sinh những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan, các ngân hàng sẽ cung cấp trong trường hợp cơ quan thuế yêu cầu", ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) từng chia sẻ.

Để hạn chế tình trạng trên, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định, các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ về các giao dịch thanh toán liên quan đến thương mại điện tử cho cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định được những cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế.

img

LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico. (Ảnh: Internet)

Song theo LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, trên thực tế, hoạt động cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khiến các NHTM tốn nhiều công sức, thời gian nhất, số lượng thông tin cung cấp cũng nhiều nhất từ trước tới nay. “Thời gian còn làm việc tại ngân hàng, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một văn bản từ một chi cục thuế nào đó đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của khoảng vài nghìn khách hàng. Đến khi số lượng thông tin cần cung cấp quá lớn, phía NHTM phải yêu cầu đơn vị đề nghị cung cấp thông tin chia sẻ tên, tuổi, địa chỉ của đối tượng cần tra cứu... tới lúc đó công việc mới trở nên dễ dàng hơn.

Một danh sách có tên hàng trăm người tối đa tìm ra vài chục trường hợp khách hàng, đôi khi chỉ tìm được một vài khách hàng. Cá biệt, có trường hợp tra cứu hàng trăm danh sách không thể tìm ra bất kỳ trường hợp nào là khách hàng của ngân hàng mình”, ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem