Khắc phục sự chồng chéo, lãng phí

Thứ ba, ngày 01/11/2011 15:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 31.10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Chương trình Mục tiêu quốc gia 5 năm (2011-2015) và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Bình luận 0

Đại biểu (ĐB) Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), ĐB Danh Út (An Giang) và nhiều ĐB cho rằng: Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư ngày càng hạn hẹp, mà các dự án, chương trình mục tiêu liên tục phình to ra thì làm sao ngân sách Nhà nước có đủ nguồn vốn để đáp ứng. Nên chăng chúng ta ghép các chương trình mục tiêu lại, tập trung vốn cho những dự án hiệu quả, phục vụ thiết thực cho an sinh xã hội...

img
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân nhiều vùng sâu, vùng xa đã được dùng nước sạch.

ĐB Danh Út đề nghị: “Chính phủ nên nghiên cứu thành lập một ban chỉ đạo thống nhất các Chương trình Mục tiêu quốc gia do Bộ KHĐT điều phối, vì hoạt động của các ban chỉ đạo hiện chưa hiệu quả, hoạt động liên ngành chưa chặt chẽ. Có như vậy, việc lồng ghép các chương trình mới dễ dàng hơn. Bởi như riêng chương trình về giảm nghèo mà có tới 13 bộ tham gia với 68 chính sách khác nhau, thì làm sao thực hiện được”.

Nhất trí với ông Út, ĐB Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cũng đề nghị: Chính phủ cần có một ban chỉ đạo để điều phối các chương trình gắn kết với nhau trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội, tránh có nhiều chương trình nhưng chồng chéo lẫn nhau, gây lãng phí.

ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) phát biểu: “Nhìn chung, 16 Chương trình Mục tiêu quốc gia trên thực tế vẫn là chương trình phân theo ngành, chưa có sự phối hợp liên ngành, liên bộ. Đặc biệt, các nguồn vốn trong giai đoạn này đã tăng lên rất lớn tới 171.000 tỷ đồng, vượt 61.000 tỷ đồng theo phê duyệt của Quốc hội. Chính vì thế, cần xem xét lại tính khả thi của các chương trình này”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn khắc phục tình trạng chồng chéo của các chương trình này phải chú ý đến các tiểu dự án thành phần trong các chương trình. Nếu tiểu dự án nào có hiệu quả thì triển khai, nếu trùng lặp thì lược bỏ.

Một vấn đề mà ĐB Tâm đề nghị là cần phân biệt giữa Chương trình Mục tiêu quốc gia với những nhiệm vụ thường xuyên. Theo bà Tâm, hiện nay có hiện tượng nhiều cán bộ công chức cũng làm 1 ngày 8 giờ, hưởng lương công chức nhưng khi tham gia vào Chương trình Mục tiêu quốc gia lại được hưởng thêm một khoản lương nữa là không hợp lý, gây lãng phí.

Nhấn mạnh việc cần phải có đánh giá lại hiệu quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia, ĐB Nguyễn Đức Trung (Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo ngại rằng: Rất nhiều Chương trình Mục tiêu quốc gia sau 5 năm, 10 năm không đạt, nhưng trách nhiệm không quy được cho ai. Vì vậy, nếu không đánh giá nghiêm túc thì chắc chắn các chương trình mới sẽ không thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem