“Khắc tinh” của hủ tục thuốc thư ở Gia Lai

Lê Anh Thứ tư, ngày 29/07/2015 14:25 PM (GMT+7)
“Thuốc thư, ma lai” - hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng trên “chảo lửa” Krông Pa (Gia Lai) là nỗi ám ảnh trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Bình luận 0

Những lúc “bùng phát vụ việc”, Hwing Son - Trưởng ban Dân vận (Huyện ủy Krông Pa) lại không quản xa xôi để đến tận nhà, ra tận rẫy để hóa giải…

Muôn nẻo “thuốc thư”… 

Sau hơn 1 tháng bám làng tuyên truyền, vận động, giờ ông Hwing Son mới thở phào nhẹ nhõm khi cùng tổ công tác giải quyết ổn thỏa vụ “thuốc thư” ở buôn Ama Hing (xã Đất Bằng). Thấy chúng tôi đang sốt sắng chờ nghe, ông thẳng luôn vào chuyện: Dạo tháng Hai, ông Kpă Te (SN 1935) sang nhà giúp ông Rcăm Nguôl đóng bao mì (sắn)  và dự bữa rượu liên hoan sau vụ thu hoạch. Bữa rượu có cả bà Alê H’val (vợ ông Nguôl) và 2 người khác ở buôn Ơi Khăm. Trong khi mời mọi người uống rượu, ông Kpă Te đã không mời bà H’val uống cùng mà nói “Bà có bệnh, tôi biết đã chữa trị nhiều nơi mà không khỏi. Nếu phải tay Kpă Te, chỉ cần một dúm lá rừng là xong ngay. Nếu không được sẽ đền tiền để bà đi bệnh viện chữa trị…”.

img

“Ông dân vận Hwing Son”. (Ảnh: L.A)

Chẳng biết trời xui thế nào, sau bữa rượu bệnh của bà H’val bỗng nặng thêm. Nhớ lời Kpă Te, chồng bà lật đật đến nhà nhờ. Kpă Te thú thật là không biết chữa bệnh, hôm đó vì say nên bốc lên nói phét vậy thôi… “Hắn bỏ thuốc thư cho người ta rồi nên giấu đó mà” - nhà bà H’val đinh ninh như vậy và bắn tiếng: “Nếu H’val chết thì Kpă Te cũng phải chết theo…”. Tổ hòa giải buôn Ơi Căm nghe vậy đã tiến hành hòa giải 3 lần nhưng việc không thành. Trước sự đe dọa của dòng họ bà H’val, ông Kpă Te đành cắn răng đền 7 triệu đồng để bà H’val đi chữa bệnh…

Tại Bệnh viện Y dược Hoàng Anh Gia Lai, các bác sĩ chẩn đoán bà H’val bị thiếu máu mức độ nặng do giun móc, kèm theo viêm dạ dày, nấm thực quản… Vậy mà gia đình bà H’val vẫn không nghe bởi “thầy bói” Ama Dơn (ở Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nói H’val bị bỏ “thuốc thư”, chỉ uống thuốc của “thầy” mới khỏi. Nếu đi bệnh viện nữa sẽ chết…. Buôn Ama Hing vốn yên bình như sôi lên bởi những cuộc đấu khẩu của hai dòng họ và những kẻ hiếu kỳ…

“Trường kỳ mai phục” để hóa giải

Chẳng nhớ đây là vụ “thuốc thư” thứ mấy ông Hwing Son được phái đi hóa giải. Và cũng như những vụ “thuốc thư” trước đó, ròng rã cả tháng trời bất kể nắng mưa, bất kể sớm tối ông cùng tổ công tác phải bám làng để tuyên truyền vận động. Ông bảo: “Chỉ có “trường kỳ mai phục” như thế mới gặp được bà con để nói chuyện và tuyên truyền”. Nhưng đôi khi vừa thoáng thấy bóng ông cửa trước là họ đã tránh sang cửa sau. Nhiều khi ông và tổ công tác còn bị gia đình, dòng họ những người nghi bị bỏ “thuốc thư” đe dọa…

Hiểu tâm lý đồng bào phần vì sợ liên lụy, phần thì vẫn còn mang nặng những quan niệm lạc hậu, thiếu hiểu biết nên bị kẻ xấu xúi giục; bao đời nay đã có ai thấy thuốc thư, ma lai là gì, nên ông luôn vững tin cứ “mưa dầm thấm lâu” thì họ sẽ nhận ra lẽ phải… Và sự thật Hwing Son cùng tổ công tác chưa bao giờ bỏ cuộc vụ việc nào, dù phức tạp và khó khăn đến mấy...

Vì vậy mà dân các làng luôn gọi “ông dân vận Hwing Son” với cái tên trìu mến Ơi Son (già Son) mà dường như quên Hwing Sơn là Trưởng ban Dân vận.  

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pa - ông Nguyễn Như Trình, ông Hwing Son là tấm gương sáng trong công tác dân vận, trong việc tuyên truyền, vận động, giải quyết ổn thỏa các vụ nghi ngờ “thuốc thư ma lai” thời gian qua. Ông Hwing Son đã giúp người dân nhận ra bản chất của sự việc mà dần loại bỏ hủ tục mê tín dị đoan này, góp phần ổn định an ninh-trật tự trên địa bàn huyện…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem