Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lâu nay vỏ cà pvê vẫn được xem là phế phẩm bỏ đi, hoặc được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, "vua tiêu" Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh đã áp dụng công nghệ, biến vỏ cà phê chín thành trà Cascara, bán giá cao và được thị trường châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng.
Ông Phan Minh Thông cho biết, những người nghiên cứu cà phê đã phát hiện trong vỏ cà phê chín mọng có một lượng cafein nhỏ, thấp hơn 4 lần so với hạt cà phê. Phần vỏ và thịt quả cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa như polyphenol, giúp cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, Parkinson và Alzheimer.
Khi sấy khô, phần vỏ cà phê mà nhiều người ngỡ là đồ bỏ đi này lại trở thành trà cà phê (Cascara) có vị ngọt nhẹ, chua thanh, thơm mùi trái cây. Tuy nhiên, không phải loại vỏ cà phê nào cũng được chế biến thành trà Cascara.
"Để làm trà Cascara có chất lượng thơm ngon, phải chọn những quả cà phê chín mọng, tách lấy phần vỏ (còn nguyên thịt vỏ) để đưa vào chế biến. Vỏ cà phê sẽ được sấy liên tục trong 48 giờ, sau đó đóng gói thành phẩm. Chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về cây cà phê ở Sơn La. Ngoài là nơi có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất khu vực Tây Bắc, thì hương vị cà phê Arabica trồng tại đây thơm ngon tuyệt vời" - ông Thông cho biết.
Mỗi vụ cà phê, Công ty Phúc Sinh thường thu mua của nông dân từ 11.000 - 14.000 tấn cà phê tươi, và sẵn sàng trả giá cao đối với những lô cà phê có nhiều quả chín. Ngay sau khi sơ chế, công nhân sẽ chọn ra những quả cà phê tươi, chín mọng để đưa vào dây chuyền tách vỏ hiện đại nhập từ Colombia, sản xuất ra trà Cascara chất lượng nhất.
Công ty Phúc Sinh cho biết, phải cần tới 5kg vỏ cà phê chín mới thu hoạch được 1kg trà Cascara. Sản phẩm này đang được rất nhiều khách hàng châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng, đặc biệt khách hàng Ý coi trà Cascara như một loại nước uống "thời thượng". Hiện trà Cascara được bán với giá 1,5 triệu đồng/kg.
Trong khi đó, ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ai cũng biết đến mô hình trồng mướp lấy xơ xuất khẩu của anh Tạ Quý Tôn. Anh Tôn cho biết, năm 2019 khi anh bỏ việc ở ngân hàng về quê trồng mướp lấy xơ, ai cũng thấy lạ, cho rằng xơ mướp thì bán cho ai…
Tuy nhiên trong thời gian học tập và làm việc tại Australia, anh Tôn nhận thấy rất nhiều khách sạn lớn ở đây sử dụng các sản phẩm từ xơ mướp để làm bông tắm, đai chà lưng và những sản phẩm gia dụng ở nhà bếp. Vì thế anh đã nảy sinh ý tưởng làm những sản phẩm từ xơ mướp để xuất khẩu.
Theo đó, đầu năm 2019, anh Tôn thuê lại 2ha đất tại địa phương để trồng mướp lấy xơ. Sau nhiều công sức tìm hiểu, anh tìm được giống mướp cho quả to, thẳng, khi già xơ dày và mịn.
Tại khu gia công sản phẩm, anh Tôn sử dụng máy may, máy ép, máy cắt để tạo ra các sản phẩm từ xơ mướp như bông tắm, đai chà lưng, lót giày... Sản phẩm từ xơ mướp đều được anh Tôn làm thủ công, do đó mỗi sản phẩm đều có tính độc đáo riêng.
Hiện anh Tôn chủ yếu cung cấp các sản phẩm làm từ xơ mướp cho khách hàng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở châu Âu, với 15 loại sản phẩm làm từ xơ mướp, gồm bộ sản phẩm cho nhà bếp, nhà tắm, đồ dùng cá nhân như lót giày, giày dép đi trong nhà với giá bán trung bình từ 4-9 USD/sản phẩm.
Trung bình mỗi tháng, anh xuất khẩu từ 3-5 đơn hàng với trị giá từ 30.000-40.000 USD/tháng. Đáp ứng nhu cầu của đối tác, ngoài diện tích 2ha trồng mướp lấy xơ tại xã Nguyệt Đức, anh còn mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại huyện Lương Tài, Gia Bình và một số tỉnh như Nam Định, Hải Dương với tổng diện tích hơn 30ha…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.