Khai giảng ở vùng dân tộc, miền núi: Lo... cơm cho trẻ tới trường

Công Xuân - Trương Hồng Thứ sáu, ngày 05/09/2014 07:03 AM (GMT+7)
Hôm nay (5.9), hơn 20 triệu học sinh, sinh viên từ mầm non, tiểu học tới các trường ĐH tưng bừng ngày khai giảng năm học mới. Để học sinh đều có cơ hội đón ngày khai giảng, nhiều tỉnh miền núi đã triển khai các giải pháp vận động trẻ tới trường, trong đó có việc lo cơm ăn, lo bán trú.
Bình luận 0

99% trẻ đến lớp

Ngày 4.9, hơn 99% trẻ em ở huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) tới trường dự lễ khai giảng. Tỷ lệ tới trường cao nhất trong nhiều năm qua.

Trao đổi với NTNN, ông Trần Bảo Tú- Phụ trách tổng hợp của Phòng GDĐT huyện cho biết, địa bàn huyện có số lượng con em học sinh đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ rất lớn, trong đó có 3 khu TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 của hai xã Trà Đốc, Trà Bui.

Để học sinh đến trường, trẻ ra lớp đúng kế hoạch, UBND huyện tổ chức nhiều buổi họp, treo băng rôn, khẩu hiệu ngay tại các khu TĐC, các thôn, bản trên địa bàn vận động cho phụ huynh phải thực hiện đúng “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, không để học sinh ở nhà lên rẫy. Kết quả là từ mầm non tới THCS đã có hơn 1 vạn trẻ tới lớp ngày 4.9.

Tại xã Trà Đốc, nhiều trẻ tới trường khai giảng đã được ăn cơm trưa bán trú ngay. Bà Huỳnh Thị Thùy Dung- Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thông tin: “Các trường vừa rà soát lại nhà ở bán trú, khu bếp ăn cho học sinh UBND huyện cũng dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm được đảm bảo không để các em thiếu ăn trong năm học mới…”.

Sân trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (huyện Bác Ái, Bình Thuận) ngày 4.9 cũng chăng đầy cờ hoa cho lễ khai giảng. Nhưng khu đông vui nhất lại là ở khu... bếp, các thầy giáo đang khẩn trương hoàn thành bếp tập thể phục vụ cho việc nấu ăn cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Như Hoài-Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

Năm học này, trường có 357 học sinh/12 lớp, nhưng chỉ mới có 6 phòng học. Nhà ăn của học sinh phải sử dụng làm phòng họp hội đồng nên các giáo viên vừa dựng tạm một nhà ăn và bếp mới để ngay sau lễ khai giảng, 216 học sinh thuộc diện nội trú có thể bắt đầu ăn, ở lại tại trường. “Có thực mới vực được đạo, có cơm ăn các em mới có cơ hội tới trường”- thầy Hoài nói.

Toàn huyện Bác Ái hiện có 40 trường học. Trước ngày khai giảng, ở hầu hết các trường, giáo viên đều phải xắn tay sửa đường ống dẫn nước sạch về trường, xây bếp, dựng nhà ăn cho học sinh bán trú hay đến tận nhà, lên rẫy chở học sinh ra lớp.

Nhờ thế, tỷ lệ vận động học sinh ra lớp cấp tiểu học đạt khoảng 98%, cấp THCS đạt khoảng 95%, một số trường ở vùng xa như Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH Phước Bình B, PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh (xã Phước Bình) đã vận động đạt 100% học sinh tới trường.

Những nỗi buồn học nhờ và... thất học



Trích phát biểu của PGS Văn Như Cương-
Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh ngày 4.9
   
Tôi đề nghị mọi người cùng giơ cao bàn tay phải của mình và đặt lên lồng ngực bên trái… Chúng ta sẽ cảm nhận tiếng đập của trái tim mình, một trong 90 triệu trái tim Việt Nam, tiếng đập rộn ràng dưới sắc vàng của ngôi sao 5 cánh. (...) Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là "dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh’’.
   
Đó là tình cảnh của hơn 230 học sinh bậc THCS ở 2 xã: Sơn Liên và Sơn Màu, huyện miền núi Sơn Tây. Theo ông Nguyễn Thành Tâm- Chuyên viên phụ trách THCS (Phòng GDĐT huyện Sơn Tây), xã Sơn Liên được chia tách ra từ xã Sơn Mùa và xã Sơn Màu được tách ra từ xã Sơn Tân vào năm 2009.

Sau khi chia tách, Phòng GDĐT cũng đã kiến nghị và hoàn tất đề án xin kinh phí để xây dựng trường thế nhưng suốt gần 5 năm qua, cấp thẩm quyền của huyện Sơn Tây và tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa bố trí vốn để xây.

 

Trong ngày khai giảng, nhìn cảnh 230 học sinh chen chúc trong có 3 phòng học, ông Nguyễn Ngọc Huề-Hiệu trưởng Trường TH Sơn Liên nén tiếng thở dài: “Tại điểm trường chính này hiện có tất cả 6 phòng học kiên cố. Tuy nhiên 2 phòng được tận dụng làm nơi làm việc và thư viện của bậc tiểu học; 1 phòng được trưng dụng làm nơi làm việc dành cho THCS nên chỉ còn lại 3 phòng. Để các em có phòng học, chúng tôi phải mượn tạm thêm 3 phòng nữa”.

Trong khi các bạn quần áo mới tới trường thì em Ngân Thị Huyền (học sinh lớp 8, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) buồn rầu ở nhà vì phải giúp mẹ kiếm sống nuôi 3 em. Em cho biết, em rất muốn đến trường nhưng không thể.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, hoàn cảnh như em Huyền không phải ít. Sau kỳ nghỉ hè, toàn tỉnh có 660 em học sinh bỏ học với nhiều lý do khác nhau. Ngay sau ngày khai giảng, ngành giáo dục tỉnh sẽ rà soát lại, nơi có học sinh bỏ học sẽ mở các lớp bổ túc văn hóa cho học sinh không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông.

Về lâu dài, tỉnh cũng sẽ triển khai nhà ở, bếp ăn cho học sinh bán trú, nội trú, xây dựng quỹ khuyến học hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo tới trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem